Chỉ cách hơn một tháng ngôi nhà 7 tầng mặt phố Kim Liên-Xã Đàn được anh Thông rao bán với giá trên 50 tỷ đồng nhưng nay chủ nhà phải chấp nhận giảm xuống chỉ còn dưới 40 tỷ đồng nếu có khách xuống tiền.
Theo anh Thông, dù đã cắt lỗ, bán thấp hơn giá mua nhưng ngôi nhà cũng khó bán vì hầu hết khách hỏi mua là môi giới và ép giá xuống hàng tỷ đồng.
Không chỉ nhà mặt phố, đất thổ cư mà ngay cả nhà đất thuộc các dự án đô thị cũng đều trong tình trạng nhà đầu tư thứ cấp “đua nhau” cắt lỗ, bán tháo nhằm nhanh chóng thu hồi vốn.
Đa số dự án nằm dọc đại lộ Thăng Long đang ngừng thi công, còn nhà đầu tư thì tìm cách bán tháo.
Dự án KĐT Bắc An Khánh-Splendora mặc dù là một trong số ít dự án hiện vẫn được chủ đầu tư tiếp tục thi công, nhưng trên thị trường thứ cấp các sản phẩm biệt thự, liền kề đang được chào bán với giá giảm mạnh, có người bán chỉ bằng giá gốc mà vẫn khó.
KĐT Nam An Khánh cũng tương tự, do đang “đắp chiếu” nên trên thị trường giá bán của nhà đầu tư thứ cấp rớt thảm hại.
Dự án chung cư Dương Nội (quận Hà Đông) của Tập đoàn Nam Cường đang bị nhà đầu tư thứ phát bán phá giá giảm từ 20-50%.
“Hiện chúng tôi có hơn 100 căn hộ Dương Nội đang nhờ bán lại với giá cắt lỗ từ 300 đến 600 triệu đồng/căn so giá gốc. Giá của chủ đầu tư 22-24 triệu đồng/m2 (đã nộp tiền đến 70%), nhưng giờ nhà đầu tư thứ phát chào bán chỉ còn 16-18 triệu đồng/m2” - Ông Hùng cán bộ sàn BĐS Hoàng Tây cho biết.
Ông Phan Thanh Mai - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, một bộ phận nhà đầu tư khó khăn về tài chính hoặc không có khả năng nộp tiền theo tiến độ buộc phải bán tháo, chấp nhận lỗ.
Việc giảm giá tốt cho người mua, nhưng do nhiều dự án các chủ đầu tư đã bán hết rồi, nên việc bán tháo, cắt lỗ chỉ là cuộc chơi của các nhà đầu tư thứ cấp nên cũng cần phải cẩn trọng.
Người mua cũng nên kiểm chứng rõ giá trị thật của sản phẩm cắt lỗ vì nhiều nơi cắt lỗ, bán tháo nằm ở dự án góp vốn trên giấy, hoặc có nhiều rủi ro về tiến độ dự án.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT Cty đầu tư và phân phối DTJ nhìn nhận, vốn của các nhà đầu tư thứ cấp có hạn nên họ buộc phải giảm giá liên tục hoặc thậm chí bán lỗ để thu hồi vốn nên thị trường sẽ hình thành một mặt bằng giá mới thấp hơn nhiều so với trước, thậm chí dưới giá gốc.
Việc này tác động ngược đến các chủ đầu tư, buộc họ phải tung ra các sản phẩm có giá thành cạnh tranh hơn, hoặc nếu muốn bán tiếp thì buộc phải giảm giá, ăn lời ít thì người mua mới chấp nhận”.
Theo Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét