Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Gỡ rồi mà vẫn rối

Câu chuyện thu phí dịch vụ của các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa đi đến hồi kết. Mức giá trần dịch vụ do UBND TP Hà Nội quy định cho các khu chung cư đang ngày càng làm nóng dư luận. Mặc dù đã tính đến phương án bỏ giá trần và đưa ra khung giá cụ thể, song vấn đề lại không đơn giản.

Một tiến sĩ kinh tế đã chỉ ra điểm mâu thuẫn cơ bản cần được giải quyết trong mối quan hệ giữa chủ đầu tư chung cư và các hộ dân, đó là công cụ pháp lý. Chung cư là mô hình đô thị còn khá mới ở Việt Nam, ở nhiều nước, chung cư chiếm 60-70% diện tích đô thị cũng như tỷ lệ dân cư.

Để quản lý chung cư, người ta có hồ sơ pháp lý của một tòa chung cư, bao gồm: Bảng phân chia các căn hộ và điều lệ của chung cư quy định quyền của các chủ sở hữu căn hộ đối với không gian chung. Nếu không có hai văn bản này thì chủ đầu tư không được phép bán căn hộ. Như vậy, mọi cư dân chung cư có quyền buộc chủ đầu tư không được khai thác và thu lợi riêng đối với tài sản mang tính thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt của mọi thành viên trong chung cư. Nếu như chủ đầu tư không tuân thủ điều đó, các hộ dân sẽ từ chối không cho đăng ký điều lệ chung cư tại cơ quan quản lý, có nghĩa là, chủ đầu tư không được phép bán căn hộ. Còn ở nước ta, khi mua nhà, người dân chỉ được “quyền” ký hợp đồng mua bán. Những quy định liên quan đến dịch vụ sử dụng chung cư họ thường không được thỏa thuận mà bị chủ đầu tư áp đặt.

Đơn cử, chung cư Golden Westlake, quận Tây Hồ theo hợp đồng ký năm 2006 giữa chủ đầu tư với người dân, mức phí để ô tô là 30 USD/tháng. Khi một số hộ dân dọn về ở, chủ đầu tư đã tăng phí lên 3 triệu đồng/ tháng. Khi bị người dân phản đối, chủ đầu tư buộc phải hạ xuống 1 triệu đồng/tháng. Đến đầu năm 2012, chủ đầu tư lại tuyên bố tăng mức phí này lên 2,5 triệu đồng/tháng, sau khi bị dân phản ứng mạnh, họ buộc phải rút xuống 2 triệu đồng.

Mức phí này vẫn còn cao hơn quy định của UBND TP là 1,25 triệu đồng/tháng. Chưa kể, dân chung cư ký hợp đồng thuê khu vực đỗ xe riêng phải trả từ 750 triệu đồng đến 2,1 tỷ đồng cho 38 năm và thanh toán một lần. Đây chỉ là một trong hàng loạt bất cập liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về nhà chung cư. Nổi cộm và bức xúc nhất là quy chế, hợp đồng mua bán, sở hữu chung, sở hữu riêng, phí dịch vụ, phí bảo trì. Theo một luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội, mâu thuẫn về quyền sở hữu chung, sở hữu riêng cũng như việc xác định chủ sở hữu, không thể căn cứ thuần túy vào hợp đồng, mà phải tính tới các quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước. Phải căn cứ vào các điều quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Thực ra, hầu hết các khu chung cư, nhất là chung cư cao cấp đều đưa ra mức phí dịch vụ cao hơn mức quy định của UBND TP rất nhiều. Các chủ đầu tư đang vi phạm pháp luật nhưng lại không có chế tài nào đủ mạnh để xử lý, cho nên mọi vướng mắc gỡ rồi mà vẫn rối.

Theo An Ninh Thủ Đô

Giá căn hộ chung cư Hà Nội tiếp tục giảm


Nguồn cung dư thừa lớn, thị trường thanh khoản kém, người mua vẫn quan sát và chờ đợi là những yếu tố chính khiến nhiều dự án căn hộ chung cư tại Hà Nội tiếp tục xu hướng giảm giá bán.

Tình trạng thị trường chung cư Hà Nội ảm đạm, giảm giá bán kéo dài trong suốt nhiều quý nay đã đẩy nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lâm vào tình cảnh khó khăn, doanh thu, lợi nhuận giảm sút, hàng tồn tăng cao, thậm chí có nguy cơ dẫn đến phá sản.

Chính vì vậy, vấn đề tìm kiếm giải pháp nhằm thu hồi vốn từ các dự án là nhiệm vụ hàng đầu của những doanh nghiệp này hiện nay. Nhiều doanh nghiệp “yếu kém”, năng lực tài chính hạn chế không còn đủ sức để chống chọi với thị trường đã phải từ bỏ ngành nghề, tuyên bố giải thể,…

Có đơn vị vẫn đang cố gắng đưa ra các giải pháp để tồn tại, trong đó, giảm giá bán sản phẩm, khuyến mãi kích cầu, hỗ trợ tài chính cho khách hàng là những giải pháp xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây.

Mới đây, HĐQT Công ty COMA 18 đã ra quyết định điều chỉnh giá bán căn hộ cao cấp tòa nhà Westa tại KĐT Mỗ Lao Hà Đông về mức giá trung bình chưa hoàn thiện là 17,9 triệu đồng/m2.

Theo sàn BĐS Sudico, đơn vị đang phân phối căn hộ này với giá từ 17 triệu đồng/m2 (đã gồmVAT và 2% phí bảo trì) nếu tính cả phần hoàn thiện giá căn hộ này vào khoảng 21 triệu đồng/m2, trong khi đó trước đây căn hộ này có mức giá dao động khoảng 26 – 28 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn chiết khấu cho khách mua 3% trên giá bán từ nay đến 10/9/2012. Tiến độ thanh toán được chia thành 7 đợt. Như vậy, so với trước đây căn hộ Westa đã mất giá khoảng 28%.

Một trường hợp khác cũng xảy ra hiện tượng bán tháo gần đây là căn hộ CT3 Trung Văn. Mặc dù căn hộ này đang đi vào hoàn thiện nhưng những ngày gần đây liên tục có những tin rao bán với giá hạ từ 1 đến 2 triệu đồng/m2.

Ngay cả những dự án nhà giá rẻ với tính thanh khoản khá cao do đáp ứng được nhu cầu mua lớn của người dân, nhưng thời gian gần đây cũng đã xuất hiện hiện tượng bán hạ giá trên thị trường thứ cấp.

Trước đó, những loại căn hộ này nhiều người có nhu cầu muốn mua còn phải chi trả tiền chênh bên ngoài từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi căn. Tuy nhiên, đến nay nhiều nhà đầu tư còn bán thấp hơn cả giá gốc mà chủ đầu tư vài triệu đồng/m2.

Điển hình trong số đó là căn hộ Tân Việt Tower tại Đức Thượng, Hoài Đức với giá gốc trước đây chủ đầu tư bán ra là khoảng 15 triệu đồng/m2 thì này giá chào bán chỉ còn khoảng 12-13,5 triệu đồng/m2.

Hay một số trường hợp căn hộ giá rẻ khác như căn hộ dự án Tân Tây Đô với giá chào bán trước đây từ phía chủ dự án là 15,3 triệu đồng/m2 và phải mất khoản chênh khoảng 2 triệu đồng/m2 thì nay thị trường rao bán chỉ còn 13,5 triệu đồng/m2.

Nguồn cung lớn, và dư thừa hàng chục nghìn căn trên thị trường Hà Nội đang là vấn nạn của thị trường chung cư. Theo con số thống kê của một số đơn vị tư vấn bất động sản, số lượng nguồn cung mới chào bán ra thị trường HN trong năm 2012 vào khoảng trên 20.000 căn hộ. Còn lượng hàng tồn kho mà theo CBRE thống kê vào năm 2011 là 16.500 căn. Trong khi, tỷ lệ bán thành công trung bình của những tháng đầu năm 2012 là rất thấp chỉ khoảng 10-15%.

Nếu tình trạng thanh khoản của thị trường vẫn không cải thiện từ nay đến cuối năm, thì khả năng số lượng tồn kho căn hộ tại HN sẽ vẫn tiếp tục tăng cao, và dự báo có thể lên đến trên 35000 căn hộ. Số lượng này các chủ dự án sẽ phải “cân nhắc” vấn đề giảm giá bán để thu hồi vốn nếu muốn cải thiện doanh số bán.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố số tồn kho là 26%, nhưng chỉ thể hiện trên lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ… còn tồn kho lĩnh vực bất động sản (BĐS) và chứng khoán thì không thấy có số liệu.

Còn theo T. S Vũ Đình Ánh, phân tích: “Tồn kho BĐS rất nguy hiểm, vì hầu hết tài sản thế chấp của ngân hàng là BĐS. Nếu không xử lý tài sản thế chấp thì các ngân hàng sẽ chết chìm theo và trở thành tội đồ lớn nhất. Nhưng tài sản BĐS (nhà, đất) hiện được quản lý chồng chéo bởi quá nhiều bộ, ngành liên quan đến đất đai, chính sách tài chính… nên một mình ngân hàng không thể xử lý được”.

Như vậy, với lượng còn kho cao của bất động sản hiện nay thì xu hướng giảm giá có thể sẽ vẫn diễn ra trong thời gian tới.
Theo VnMedia

Vì sao “chợ cao cấp” ở Hà Nội ế ẩm?

Vì sao các trung tâm thương mại, các khu chợ kiểu mới tại Hà Nội lại bị chính giới tiểu thương cũng như khách hàng quay lưng dù đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để làm mới?
Cảnh vắng vẻ, đìu hiu bên trong chợ Hàng Da mới.

Trong quá trình tìm hiểu căn nguyên, người viết nhận được vô số những phản hồi, những quan điểm trái chiều của các chuyên gia, nhà quản lý, thậm chí có những ý kiến có phần bi quan tiêu cực rằng Hà Nội cần sớm chấm dứt việc chuyển đổi này cũng như xây mới các trung tâm thương mại nhằm tránh lãng phí.

Ế từ bình dân đến cao cấp

Theo ghi nhận của PV, hiện trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội thành, hàng loạt các trung tâm thương mại cao cấp và trung tâm thương mại kết hợp chợ được đầu tư và đã hoặc sắp được đưa vào khai thác. Có thể kể đến các trung tâm thương mại “bình dân” được hình thành từ việc chuyển đổi các khu chợ truyền thống như Trung tâm thương mại Hàng Da, Cửa Nam, Ô chợ Dừa, chợ Mơ, Ngã tư Sở…

Thế nhưng, háo hức chờ đợi bao nhiêu thì các chủ đầu tư và các tiểu thương lại thất vọng bấy nhiêu bởi chỉ sau một thời gian đi vào hoạt động, các trung tâm thương mại kết hợp chợ này đã không được khách hàng đón nhận như kỳ vọng. Khách vào chợ ngày càng thưa thớt, các gian hàng cũng bỏ trống ngày một nhiều hơn, khiến ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Đơn cử như tại trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa, dù được đầu tư khá bài bản, quy mô, song hầu hết các tiểu thương lẫn khách hàng vào đây đều khẳng định “đây không phải là mô hình chợ, trung tâm thương mại hoàn chỉnh cũng không phải. Đã là chợ phải có các sạp hàng, có rau, có thịt, cá… những hàng hóa thiết yếu”.

Chính vì vậy, dù được xây dựng tới 7 tầng nhưng chỉ có tầng 1 và 2 của tòa nhà được thuê bán hàng và làm dịch vụ hay văn phòng. Tất cả các tầng còn lại đều trống trơn. Ngay cả ở hai tầng dưới, có đến 80% quầy hàng đóng cửa.

Tình trạng này cũng phổ biến với các trung tâm thương mại bình dân khác trên địa bàn. Một vài khu khác dù có các gian hàng cá, thịt, rau… nhưng lại bố trí ở dưới tầng hầm nên đã không được khách hàng quan tâm, chú ý. Hầu hết khách hàng khi được hỏi đều phản ảnh rằng: rất ngại vào mấy khu chợ kiểu này, vừa bất tiện, vừa đơn điệu về hàng hóa, giá cả lại có phần đắt hơn bên ngoài. Do vậy, lựa chọn của phần lớn người dân xung quanh các khu chợ kiểu mới này vẫn là “tiện đâu mua đấy” và các khu chợ cóc là địa điểm được họ tìm đến nhiều hơn cả.

Đối với các khu trung tâm thương mại cao cấp khác như Picomall, Grand Plaza hay Garden, Parkson… tình cảnh cũng không sáng sủa hơn là mấy. Khách hàng vào đây có thể đông hơn vào các khu chợ kiểu mới kể trên, song phần lớn vẫn là vào “chơi nhiều hơn mua”.

Chính vì vậy, tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại hàng đầu Hà Nội này cũng không mấy khả quan, thậm chí tại một số trung tâm thương mại đã hoạt động từ 2 -3 năm nay như Grand Plaza, Picomall… khách hàng thuê mặt bằng đang rậm rịch rời khỏi tòa nhà do sự ế ẩm, hàng hóa bán không đủ trả tiền thuê mặt bằng.

Quan sát tại các tầng của nhiều trung tâm thương mại cao cấp, không khó để nhận thấy vẫn có khá nhiều gian hàng vẫn còn bỏ trống chưa có khách thuê. Một số chủ đầu tư dù đã giảm giá, khuyến mại đến 6 tháng miễn phí thuê nếu ký hợp đồng từ 1 năm song vẫn không nhận được sự phản hồi tích cực từ thị trường và khách thuê.

Lỗi tại ai?

Lý giải về việc các trung tâm thương mại từ bình dân đến cao cấp đều ế ẩm, vắng khách thuê, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho hay, có thể do thói quen tiêu dùng của người dân tiện đâu mua đó, không muốn vào chợ phải gửi xe, vừa mất tiền vừa mất thời gian và có thể giá trong các chợ tại trung tâm thương mại, chợ kiểu mới lại đắt hơn. Trong khi đó chợ cóc, chợ tạm đang mọc tràn lan trên đường, trong mọi ngõ ngách, giá cả lại rất linh hoạt.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, sự ế ẩm của các trung tâm thương mại cao cấp có thể do tác động khách quan của việc suy giảm kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu, không vội mua sắm những thứ chưa thật cần thiết. Do đó, thực tế này không đáng ngại bằng việc các trung tâm thương mại – chợ chuyển đổi bị ế ẩm do người tiêu dùng quay lưng.

Bởi lẽ, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi chợ truyền thống sang mô hình trung tâm thương mại kết hợp chợ không khác gì sự chuyển đổi nửa vời. Trong khi đó, cách vận hành một trung tâm thương mại vốn rất khác với cách vận hành một chợ truyền thống. Tâm lý người dân muốn mua sắm hàng cao cấp thì sẽ chọn trung tâm thương mại cao cấp hẳn, có nhiều hàng hiệu. Còn nếu có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày thì đến các cửa hàng tạp hóa, chợ cóc vừa nhanh, tiện lại rẻ hơn.

Trao đổi với VnEconomy, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, việc chuyển đổi, cải tạo các khu chợ hiện nay là tất yếu và đúng với xu thế phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân cốt yếu nhất khiến các khu chợ kiểu mới của Hà Nội hiện rơi vào tình trạng vắng khách là do các chủ đầu tư đã vô tình triệt tiêu đi cái “chung” vốn có của một khu chợ truyền thống.

Theo ông Trung, mỗi khu chợ truyền thống luôn mang tính cộng đồng rất cao và nó luôn mang những đặc thù riêng vốn có, chẳng hạn như phải có các sạp hàng, các mặt hàng phải được bố trí phù hợp, đan xen nhau. Do đó, khi mà “cái chung” chưa được đảm bảo thì cũng không thể có được thành công cho mỗi “cái riêng”, tức là từng gian hàng của các tiểu thương.

“Chính vì thiếu sự gắn kết giữa chủ đầu tư và khách thuê nên thực tế hiện nay nhiều trung tâm thương mại dù đã được khuyến mại, giảm giá thuê song vẫn không có người thuê”, ông Trung cho hay.
Theo VnEconomy

Lỡ mua biệt thự: Khổ quá!

Nhiều nhà đầu tư đang dở khóc dở cười vì lỡ đầu tư vào loại đất nền biệt thự tương tự, mà giới đầu tư hay gọi là "nền sổ hồng”.


Vì không có nhu cầu ở thực nên nhà đầu tư không muốn xây nhà trên nền đã mua, nhưng cũng không muốn trả lại để rồi chịu phần thiệt về mình.

Ba năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều thông tin phản ánh về khu đô thị ma (những đô thị đã có nhà nhưng không có người ở). Hàng loạt bài báo phân tích đã mổ xẻ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Phần lớn đều xem việc đầu cơ nhà đất là nguyên nhân chủ yếu.

Tuy nhiên, câu chuyện của anh Lê Hoàng Trung, một nhà đầu tư bất động sản, cho thấy đằng sau lý do đầu cơ còn nhiều nguyên nhân khác. Việc lỡ mua phải "nền sổ hồng" là một trong số đó.

Năm 2007 anh Trung mua một nền biệt thự trong một dự án tại quận 2 với mục đích đầu tư. Thế nhưng, sự khó khăn của thị trường suốt mấy năm qua, cùng với thủ tục khá phức tạp, khiến anh chưa thể bán được.

Do tiền dùng để mua nền đất nói trên là tiền để dành, nên anh không phải lo trả lãi vay. Vì thế, anh vẫn để đó với ý định khi nào bán được thì bán. Tuy nhiên, gần đây chủ đầu tư đã nhiều lần gọi điện yêu cầu anh phải đóng nốt số tiền1 tỉ đồng còn lại theo hợp đồng góp vốn để nhận nhà, nếu không họ sẽ thanh lý hợp đồng.

Việc không bán được đã đành, nay chủ đầu tư còn bắt phải nhận nhà thô. Điều này đã đưa anh vào thế kẹt. Nếu nhận nhà thô rồi mà không vào ở, để lâu ngày, nhà sẽ bị xuống cấp. Số tiền bỏ mua nhà xây thô coi như vứt để đó, vì bán không được mà cho thuê cũng không xong. Còn muốn làm thành nhà hoàn thiện thì phải mất thêm ít nhất 2 tỉ đồng nữa. Đối với những người tâm linh, họ càng không thích điều này, vì việc mua đất rồi tiến hành xây dựng nhà theo ngày giờ cung mạng dù sao vẫn tốt hơn. Hơn nữa, họ có thể thiết kế xây dựng nhà theo ý mình.

Không chỉ anh Trung, nhiều nhà đầu tư khác cũng đang trong tình trạng dở khóc dở cười vì lỡ đầu tư vào loại đất nền biệt thự tương tự, mà giới đầu tư hay gọi là "nền sổ hồng”.

Đối với đất nền sổ hồng, phần lớn chủ đầu tư sẽ phải xây nhà hoặc bắt buộc người mua nền phải xây dựng trong một thời hạn nào đó (nếu mua "nền sổ đỏ" thì người mua sẽ được cấp giấy chứng nhận mà chưa cần phải xây nhà). Điều này là nhằm tránh bị Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai (theo khoản 12 điều 38 của luật này, Nhà nước có thể thu hồi đất đã giao cho chủ đầu tư với lý do tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép).

Trong khi đó, thực tế cho thấy đa số người mua nền là giới đầu tư, đầu cơ. Vì không có nhu cầu ở thực, nên họ không muốn xây và cũng không muốn trả lại nền đất để rồi chịu phần thiệt về mình.

Lấy ví dụ về trường hợp của anh Trung. Trong hợp đồng góp vốn, giá trị mỗi mét vuông đất chỉ khoảng 10 triệu đồng, trong khi giá trị thị trường là khoảng 15 triệu đồng. Nếu trả lại, anh sẽ bị thiệt. Ở không được, bán cũng không xong. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến việc hình thành những đô thị ma như hiện nay.

Đây có lẽ chính là lý do tháng 6 năm ngoái Bộ Xây dựng đã đề xuất lên Thủ tướng về việc cấm phân lô, bán nền, bán nhà xây thô. Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc cấm chia lô, bán nền đáng lẽ phải được tiến hành từ lâu, nhưng do có sự bắt tay ngầm giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, nên đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Hàng loạt dự án phân lô bán nền tiếp tục được tung ra trong thời gian qua và chắc chắn sẽ có không ít dự án là đất nền sổ hồng. Những ai đã lỡ mua liệu có biết rằng họ đang gặp nhiều rủi ro.

Tiến sĩ Phạm Văn Võ, giảng viên tại Đại học Luật TP.HCM, cũng đã lên tiếng cảnh báo đối với loại đất nền này. Bởi lẽ, mặc dù người mua nền sổ hồng đã nhận nền nhưng về mặt pháp lý, nền đó vẫn thuộc quyền sử dụng của chủ đầu tư. Nếu có xây nhà trên đất cũng là xây trên đất của người khác, không thể làm thủ tục hoàn công. Để hợp thức hóa, chủ đầu tư lại phải đứng ra làm thủ tục này rồi làm thủ tục “bán” căn nhà đó cho chính người xây.

Theo quy định mới của Nghị định 71, việc bán nhà trong trường hợp trên phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Nghĩa là chủ đầu tư phải công khai thông tin về việc bán nhà và tất cả mọi đối tượng đủ điều kiện mua nhà đều được đăng ký mua. Nếu số người đăng ký mua nhiều hơn số căn nhà được đưa ra bán thì phải tiến hành rút thăm hoặc đấu giá.

“Do đó, nếu Nhà nước quản lý chặt việc mua bán qua sàn thì có thể dẫn đến tình trạng người mua nền không thể “mua” nhà và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà mà họ đã xây trên nền đã mua. Việc bán như vậy cũng khó”, ông Võ nhận định.

Trong khi đó, nếu bắt buộc phải xây theo tiến độ để không vi phạm luật thì sự lãng phí về nguồn lực cũng như nguy cơ hình thành thêm nhiều khu đô thị ma là điều có thể thấy trước.

Theo NCĐT

Phương tiện giao thông không dùng xăng

Phương tiện giao thông không dùng xăng

Đúng thời điểm xăng tăng giá vừa qua, các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu Giao Thông đã tung ra thị trường một loại phương tiện giao thông có thể điều khiển bằng giọng nói, đặc biệt không dùng nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu, than đá mà chỉ dùng nhiên liệu có nguồn gốc thực vật như rau cỏ - những thứ rất rẻ và có sẵn ở Việt Nam. Nó cũng không thải ra môi trường bất kỳ loại khí độc nào, hơn thế nữa còn có lợi cho nông nghiệp. Đặc biệt loại phương tiện này có thể đi trời mưa hay đường ngập lụt rất “vô tư” mà không sợ chết máy, có thể băng qua các con kênh, con rạch một cách dễ dàng, ngoài ra nó còn có chức năng giảm béo cho người sử dụng thường xuyên. Hiện phương tiện giao thông “hot” này có 3 màu: Nâu, trắng và sọc trắng đen. Một điều không kém phần thú vị nữa là phương tiện giao thông này còn có thể làm thực phẩm khá ngon và dùng để nấu cao rất có lợi cho sức khỏe. Vâng, xin nói rõ thêm: Phương tiện giao thông đó chính là... con ngựa.

Hầu hết đại gia "tay không bắt giặc"!

Dự án "treo" ở TP.Hạ Long - Quảng Ninh:

Hầu hết đại gia "tay không bắt giặc"!


Rà soát các dự án có sử dụng đất trên địa bàn TP.Hạ Long của UBND tỉnh Quảng Ninh, thành phố hiện có 152 dự án chậm triển khai so với quy định. Sự trì trệ giờ đây bộc lộ rõ một điều: Hầu hết nhà đầu tư (NĐT) đều thuộc típ "đại gia tay không bắt giặc"!


Khu đất đắc địa rộng hơn 10.000m2 tại phường Bạch Đằng (TP.Hạ Long) được tỉnh Quảng Ninh "ưu ái" giao cho chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí quốc gia, nhưng sau hơn 2 năm không tiến hành xây dựng đã bị thu hồi. Ảnh: Trần Ngọc Duy

Trong 152 dự án đó có 91 dự án đã được giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 61 dự án còn lại chưa được giao thuê đất vì vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Mỗi lần lấn biển hoặc san đồi, các nhà quản lý địa phương đều kêu gọi sự thông cảm, rằng Hạ Long đất chật, người đông. Quả thật, ở thành phố biển này, diện tích đất bằng phẳng quá ít. Vậy mà, số lượng dự án BĐS đang ở trạng thái treo lại quá nhiều với tổng diện tích lên tới cả ngàn hécta, trong đó nhiều dự án nằm ở các vị trí đắc địa – bên bờ vịnh, hoặc trung tâm thành phố. Đất “vàng” mà việc cấp và sử dụng đôi khi như là chuyện "đi đêm"!

"Xếp gạch" chờ thời


Danh sách các chủ đầu tư của 152 dự án trên phần lớn đều lặp đi lặp lại những cái tên quen thuộc. Ngành than với 8 dự án, rồi TCty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Licogi 2, Cty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM), Cty Đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở Quảng Ninh...

Chưa biết năng lực thế nào, nhưng với số lượng dự án lớn đều tập trung vào một số NĐT, cùng với nhu cầu về BĐS ở Hạ Long không cao như ở các đô thị lớn khác, thì khả năng triển khai đồng loạt là rất khó. Nghĩa là cứ nhận đất rồi “ăn” dần, nếu chậm tiến độ thì lại xin gia hạn.

Thực tế, không ít NĐT “tay không bắt giặc”; nếu có triển khai thì cũng hoàn toàn dựa vào vốn huy động của khách hàng, hoặc không thì chuyển nhượng dự án.

Hầu hết các dự án đều chậm 3-4 năm so với quy định, trong đó có những dự án chậm tới gần 10 năm. Dự án xây dựng chung cư cao tầng TP.Hạ Long của Cty TNHH MTV 508, nằm giữa trung tâm thành phố, là một ví dụ điển hình. Thời gian quy định hoàn thành công trình là từ 2005-2007, nhưng đến thời điểm hiện tại, NĐT mới đang ghép cốppha của sàn tầng 1 do khó khăn về nguồn vốn.

Dự án Khu đô thị mở rộng lấn biển cột 8 tại phường Hồng Hà, do Licogi 2 thực hiện, lẽ ra phải hoàn thành trong giai đoạn 2004-2005, nhưng sau đó được gia hạn thêm... 6 năm (tức 2011) nhưng đến nay vẫn còn bỏ đó.

Dự án Khu đô thị mới Cao Xanh – Sa Tô của Cty TNHH MTV xây dựng công trình 507, thời gian thực hiện 2002-2007, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối phường Hồng Hà với các phường Hà Lầm, Hà Trung, theo hình thức đổi đất lấy công trình, mà Báo Lao Động đã từng phản ánh, sau gần 8 năm, với hai lần xin gia hạn chưa có dấu hiệu kết thúc quá trình “treo” 517 hộ trong vùng dự án.

Tiến thoái lưỡng nan

Theo đề xuất đoàn kiểm tra, chỉ có 13 dự án, với tổng diện tích khoảng 110ha bị đề nghị thu hồi; số còn lại vẫn còn cơ hội, dù rằng nhiều trong số đó ít nhất đôi ba lần xin gia hạn.

Thực tế, cũng khó có thể thu hồi được thêm, phần vì sự buộc phải nương tay của các cơ quan chức năng, do nhà đầu tư đã "ngậm" quá nhiều vốn huy động của người dân. Phần khác là không ít dự án bị “treo” lại do lỗi từ phía chính quyền. Và hơn cả, các doanh nghiệp đã đổ rất nhiều tiền vào các dự án, nên không dễ gì chịu “nhả” .

Vì thế, hàng ngàn hécta đất vẫn sẽ cứ tiếp tục lãng phí, đi kèm với sự thất thu của nhà nước, trong bối cảnh thị trường BĐS chưa thấy có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, các DN có tiềm năng và mong muốn đầu tư vào Quảng Ninh thì lại không dễ tìm mặt bằng.

“Nếu có nhận lại dự án từ chủ đầu tư cũ thì phải bồi thường tiền giải phóng mặt bằng, tiền xây dựng cơ sở hạ tầng nếu có cho họ. Mà những vấn đề này khó định lượng, nên, nếu không phải là đất “vàng” thực sự thì các nhà đầu tư mới cũng chẳng mặn mà” – một DN kinh doanh BĐS chia sẻ.

Dù lỗi do chủ quan hay khách quan như giải trình trong báo cáo của UBND tỉnh thì sự thực vẫn là: Nhà nước lãng phí cả ngàn hécta đất, trong khi đời sống hàng ngàn hộ dân trong vùng các dự án vẫn “treo” hết năm này qua năm khác. Chỉ tính riêng 91 dự án được giao đất, hiện vẫn còn 16 NĐT còn nợ Nhà nước trên 406 tỉ đồng. Đó là chưa kể tới việc, một khi đi vào hoạt động chính thức, các dự án trên không chỉ tạo nhiều công ăn việc làm, mà còn đem lại các khoản thuế, trong đó có thuế thu nhập...

Vào thời điểm này, các giải pháp xử lý đối với dự án chậm tiến độ có lẽ khó khả thi, bởi đa phần các DN đều lâm vào tình trạng sa sút tài chính. Tuy nhiên, nếu để các dự án tiếp tục "ủ chiếu" sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Sự tệ hại đầu tiên dễ nhìn thấy là chương trình xúc tiến đầu tư đang khởi động dễ trở thành cỗ máy chạy không tải!

Theo Lao Động

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Khởi công tuyến tàu điện ngầm 2 tỷ USD

Sáng 28/8, tuyến metro đầu tiên dài gần 20 km được khởi công, sau nhiều lần lỗi hẹn. Hệ thống đường sắt đô thị của TP HCM - nền tảng cho sự phát triển hiện đại đang được ngóng chờ sẽ sớm thành hiện thực.

"Giấc mơ" về mạng lưới metro chạy khắp TP HCM đã được nhen nhóm từ cuối những năm 90. Suốt từ năm 2001 đến 2007 đã liên tiếp có những cuộc tranh cãi về hướng tuyến, cách thức xây dựng tuyến metro này. Đến tháng 2/2008, hạng mục depot rộng 24 ha tại phường Long Bình (quận 9) của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã được bắt đầu nhưng do vướng mặt bằng, dự án đã nhùng nhằng từ đó đến nay. Sau 4 năm lỗi hẹn, sáng 28/8, phần quan trọng nhất của tuyến metro này chính thức được khởi công.

Theo thiết kế tuyến metro số 1 có lộ trình dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).

Phối cảnh kiểu dáng tàu điện ngầm. Ảnh: BQL đường sắt đô thị TP HCM.

Trong đó, đoạn ngầm có 3 nhà ga, dài 2,6 km bắt đầu từ ga số 1 (khu vực vòng xoay Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành) đi qua bên hông Nhà hát Thành phố rồi qua trụ sở công ty Điện lực Sài Gòn, theo đường Nguyễn Siêu, qua Fafilm đến khu vực nhà máy Ba Son.

Từ sau ga số 3 (ga Ba Son), tuyến chuyển sang đi trên cao với 11 nhà ga. Đoạn đi trên cao bắt đầu từ phía Bắc khu vực Ba Son, vượt đường Nguyễn Hữu Cảnh băng qua khu vực Văn Thánh, Tân Cảng rồi chạy dọc xa lộ Hà Nội đến Suối Tiên (ga số 14). Sau đó tuyến sẽ rẽ phải vào Depot Long Bình và kết thúc hành trình.

Ưu điểm nổi bật của metro là khả năng vận chuyển hành khách rất lớn, lên đến hàng trăm nghìn lượt người. TP HCM đang kỳ vọng rất nhiều vào metro sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông do quá tải phương tiện cá nhân hiện nay, trước hết là tại khu vực phía Đông của thành phố, nơi mỗi ngày có hàng chục nghìn sinh viên đi lại, học tập.

Theo thiết kế, lưu lượng khách chuyên chở của metro số 1 khoảng 162.000 lượt người mỗi ngày (giai đoạn 2014-2020), sau đó nâng lên khoảng 635.000 lượt (năm 2030) và 800.000 lượt (năm 2040). Thời gian đi từ đầu đến cuối tuyến khoảng 30 phút, tương đương vận tốc 40 km/h. Dự kiến, tàu sẽ hoạt động khoảng 20 giờ một ngày với thời gian giãn cách giữa các chuyến là 5 - 6 phút.

Bên cạnh đó, một không gian ngầm kết hợp metro và khu mua sắm sẽ hình thành cũng hứa hẹn tạo ra diện mạo mới cho khu vực trung tâm thành phố. Theo thỏa thuận giữa UBND TP HCM và JICA (Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản), nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu sơ bộ cho hai khu vực: quảng trường trước chợ Bến Thành (phạm vi xây dựng nhà ga trung tâm) và khu vực dọc đường Lê Lợi (dự kiến xây dựng trung tâm thương mại ngầm).
Phối cảnh khu mua sắm ngầm và nhà ga tuyến metro số 1 tại nhà ga trung tâm Bến Thành. Ảnh: BQL đường sắt đô thị TP HCM.

Theo đó, khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành sẽ được xây dựng ngầm dưới lòng đất 40 m, gồm hai phần: phần khu vực nhà ga gồm 3 tầng cho 4 tuyến metro (tầng một cho tuyến số 1 và 3A, tầng hai: tuyến số 2, tầng 3: tuyến số 4) và khu mua sắm bao quanh nhà ga. Đối với khu vực dọc đường Lê Lợi (kết nối giữa nhà ga trung tâm và nhà ga Nhà hát thành phố), nhóm nghiên cứu đề xuất nên xây dựng một khu mua sắm phía trên đoạn hầm của tuyến metro số 1 với diện tích khoảng 25.500 m2. Như vậy, tổng diện tích ngầm bao gồm nhà ga trung tâm Bến Thành và khu mua sắm ngầm dọc đường Lê Lợi khoảng 45.000 m2.

Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị ở Bến Thành cho biết, ý tưởng xây dựng khu mua sắm kết hợp với metro ngoài việc tận dụng không gian ngầm còn nhằm mang tới các dịch vụ tiện nghi cho hành khách đi metro. Ngoài ra, việc khai thác trung tâm thương mại sẽ góp phần đem lại lợi nhuận để bù đắp chi phí đầu tư các tuyến metro. Đây là mô hình mà nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, đã triển khai thành công. Việc kết nối quan trọng nhất là hệ thống hành khách công cộng với metro để làm sao thuận tiện nhất cho hành khách. Hiện Ban quản lý đang nghiên cứu kết nối với các hệ thống xe buýt, taxi… Chương trình này sẽ kết nối tổng thể phương tiện giao thông thành phố.

Bày tỏ sự háo hức với dự án này, anh Huỳnh Dũng nhà ở đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) cho biết rất mong ngày metro lăn bánh. "Xây dựng metro là xu hướng chung của các đô thị phát triển, giờ mình làm được tuyến đầu tiên là chuyện rất đáng mừng. Cứ nghĩ đến lúc mỗi buổi sáng chỉ cần bước lên metro là đến thẳng cơ quan, chiều lại thẳng một mạch về nhà, không còn phải chịu cảnh kẹt xe là tôi phấn khởi lắm", anh Dũng nói.
Ga số 6 tuyến metro sẽ đi qua khu vực Thảo Điền, quận 2 dưới chân cầu Sài Gòn.

Nhìn từ góc độ của một chủ đầu tư bất động sản, ông Nguyễn Văn Đồi, Giám đốc dự án Thảo Điền Pearl - một trong những dự án có cầu thang bộ kết nối trực tiếp với tuyến metro, bày tỏ nhiều kỳ vọng về một dự án khu dân cư và thương mại phát triển theo mô hình ở các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Singapore và Malaysia. Theo ông Đồi, thuận lợi to lớn từ yếu tố giao thông thuận tiện và kết nối nhanh chóng sẽ giúp cư dân và các đối tác kinh doanh tại Thảo Điền Pearl gia tăng giá trị an cư, giá trị đầu tư hoặc giá trị sinh lợi từ việc cho thuê chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Nhiều chuyên gia khác cũng bày tỏ, việc xây dựng tuyến metro đầu tiên hướng về phía Đông của thành phố (Bến Thành - Suối Tiên) là một chủ trương đúng đắn. "Khu vực này đã có phát triển tương đối, có nhiều tòa nhà cao tầng, khu vui chơi, khu công nghệ cao và đại học quốc gia. Vì vậy khi xây dựng metro, chúng ta sẽ đảm bảo được lượng người sử dụng cao hơn những khu đô thị khác. Và như vậy khi vận hành có thể có nguồn thu để nuôi hệ thống", một chuyên gia về lĩnh vực giao thông cho biết.
Metro là tàu điện chạy trong đô thị có sức vận chuyển khối lượng lớn, là loại tàu điện (giống loại tàu lửa) nhưng chạy bằng điện (không sử dụng đầu kéo Diesel như tàu lửa). Tàu gồm toa có động cơ xen lẫn toa không động cơ chạy bằng điện. Tùy theo lượng hành khách đi lại vào giờ cao điểm mà tàu có từ 3 đến 6 toa và chạy giãn cách khoảng 3 đến 10 phút.

Ngoài tuyến metro số 1, TP HCM dự kiến xây dựng thêm 6 tuyến metro khác gồm:

Tuyến số 2 (Thủ Thiêm - bến xe Tây Ninh) dài khoảng 20 km.
Tuyến số 4 (Nguyễn Văn Linh - cầu Bến Cát) dài 24 km.
Tuyến số 5 (cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc) dài khoảng 17 km.
Tuyến số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm) dài 6 km.
Riêng tuyến metro số 3 dài khoảng 23 km được tách làm hai:
Tuyến 3A (Bến Thành - Tân Kiên).
Tuyến 3B (ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước).

Theo VnExpress

Khiếm khuyết trong thiết kế, xây dựng các tòa nhà

Theo các chuyên gia, hiện nay, hầu hết các công trình xây dựng tại Việt Nam đều chưa có sự quan tâm đúng đắn đến hiệu quả năng lượng. Ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn vật liệu cho đến vận hành đều gây lãng phí năng lượng. Ngoài ra, ý thức người sử dụng cũng như chính sách quản lý năng lượng còn hạn chế cũng là nguyên nhân chính khiến mức tiêu hao năng lượng trong các tòa nhà vẫn cao.

Tại Việt Nam, các tòa nhà cao tầng tại các khu đô thị, văn phòng, công sở… chính là những hộ tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Mặt khác, các tòa nhà này là kết quả của quá trình đô thị hóa quá nhanh, nên ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong thiết kế, xây dựng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về công trình xanh, dẫn tới sử dụng năng lượng còn rất lãng phí. Hiện trạng này nếu không sớm được cải thiện sẽ đẩy các tòa nhà trở thành “thủ phạm” chính trong việc lãng phí năng lượng.

Ông Nguyễn Công Thịnh, chuyên viên Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết trong các tòa nhà, thiết bị tiêu hao năng lượng lớn nhất là điều hòa không khí. Cụ thể, ở các tòa nhà là trụ sở cơ quan hành chính thì điều hòa không khí chiếm khoảng 70% tổng năng lượng tiêu thụ. Các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn thì mức tiêu thụ năng lượng của điều hòa không khí chiếm từ 60%-70% tổng năng lượng tiêu thụ.

Theo ông Thịnh, sở dĩ có sự lãng phí, thất thoát một nguồn năng lượng lớn như vậy là do các công trình xây dựng hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật mà quy định đã đưa ra. Cụ thể, lớp vỏ công trình, có thiết kế và vật liệu không đảm bảo yêu cầu tiết kiệm năng lượng (TKNL); vẫn còn sử dụng các loại vật liệu đặc biệt là kính có độ dày, màu sắc và độ cách nhiệt không phù hợp; hệ thống điều hòa không khí lắp đặt không phù hợp…

Các chuyên gia cũng đã nhận định, tiềm năng TKNL tại các tòa nhà ở Việt Nam là tương đối lớn, tương đương 10%-40% năng lượng sử dụng trong công trình, giảm được rất nhiều chi phí. Theo kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới, để giảm mức độ tiêu thụ điện năng trong công trình xây dựng đòi hỏi phải có một giải pháp đồng bộ từ trang thiết bị, vật liệu…và cần bắt đầu từ khâu thiết kế.

Theo đó, các công trình khi thiết kế cần phải đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể như đưa kiểm soát năng lượng vào thiết kế, mô hình hóa năng lượng chi tiết, thiết kế kiểm soát môi trường, năng lượng. Kết quả kiểm toán năng lượng nên là cơ sở để nghiệm thu và cấp chứng chỉ TKNL đối với tòa nhà. Mặt khác, khi thiết kế một công trình phải tận dụng được tối đa nguồn năng lượng tự nhiên, tận dụng được nguồn sáng này sẽ giúp cắt giảm lớn trong chi phí chiếu sáng các tòa nhà.

Chia sẽ về vấn đề này, ông Ngô Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo tuyên truyền, Trung tâm TKNL Hà Nội cho biết bên cạnh việc nghiên cứu, ban hành bộ quy chuẩn về các “công trình xanh”, Nhà nước cũng cần có những cơ chế hỗ trợ cho chủ trương này như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư, tổ chức các hội chợ giới thiệu các giải pháp công nghệ TKNL dành cho các tòa nhà để từ đó có thể lựa chọn các phương án TKNL phù hợp nhất.

Nhà đầu tư địa ốc 'bỏ ngang' dự án


Theo đuổi dự án suốt gần hai năm song nhiều nhà đầu tư địa ốc đành phải phá ngang hợp đồng vì không còn vốn tiếp tục 'cuộc chơi'. Họ chấp nhận nộp phạt hàng trăm triệu đồng để thu tiền về.

Chị Quỳnh Anh, một nhà đầu tư, đã mua căn hộ chung cư ở Pháp Vân rộng 110 m2 từ năm 2010. Đóng tiền theo tiến độ 50% tương đương gần 700 triệu đồng song do chậm tiến độ, chị đành phải bỏ dở dự án để rút tiền về. "Bỏ ngang hợp đồng, tôi mất 100 triệu đồng nộp phạt nhưng như thế còn hơn dự án chậm tiến độ, mãi chưa bàn giao", chị chia sẻ.

Chị Quỳnh Anh tâm sự, nếu tiếp tục "theo đuổi" đến cùng dự án, chị sẽ mất tổng cộng khoảng 1,7 tỷ đồng. Trong khi toàn bộ số tiền của chị đã "ném" vào 3 lô đất nền nên không còn đủ tài chính để mua căn chung cư đeo đẳng suốt thời gian dài.
Địa ốc vẫn ảm đạm trong "tháng cô hồn". Ảnh: Hoàng Lan.

Nhiều nhà đầu tư cho hay, trong bối cảnh địa ốc trầm lắng như hiện nay, rót vốn vào địa ốc chẳng khác nào "chui đầu vào lửa". Chị Phương, một nhà đầu tư chia sẻ, chị mua một căn hộ rộng 96 m2 ở khu vực Minh Khai (Hà Nội) với giá chiết khấu 9%. Nhưng mới đóng xong 550 triệu đồng đợt một cộng với 50 triệu đồng tiền đặt cọc thì gặp đúng lúc thị trường đi xuống nên kế hoạch lướt sóng của chị bị phá sản. "Nhờ mối quan hệ nên tôi không phải nộp phạt hàng trăm triệu đồng tiền bỏ hợp đồng và đòi được chủ đầu tư toàn bộ số tiền hơn nửa tỷ đồng", chị Phương kể.

Kể từ cuối tháng 4/2011 địa ốc rơi vào cảnh trầm lắng ở hầu hết phân khúc. Nhà đầu tư thứ cấp liên tục hạ giá để cắt lỗ. Ngay cả những dự án cao cấp như Keangnam, làng Việt kiều Châu Âu... hàng loạt nhà đầu tư thứ cấp cũng hạ giá bán. Một môi giới cho biết, không ít căn hộ ở làng Việt kiều châu Âu "đại hạ giá" xuống còn 18-22 triệu đồng mỗi m2, trong khi trước đó "hét" tới 25-26 triệu đồng. Căn hộ Keangnam rộng 160 m2 đã trang bị hệ thống tủ bếp máy giặt cũng chỉ còn 1.900 USD mỗi m2...

Mới đây, Tập đoàn FLC đã lập cả "tổ đòi nợ" để đòi tiền khách hàng. Năm lần bảy lượt gửi thông báo mời người mua tới nhận nhà nhưng số người tới nhận chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chủ đầu tư thông báo sẽ bán phá giá những căn hộ nếu khách không chịu nộp tiền đợt cuối để nhận nhà, thậm chí dọa khởi kiện những trường hợp chây ỳ… Chủ đầu tư cho biết, nếu khách hàng không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán và không đến nhận nhà ở thì sẽ bán căn hộ để thu hồi công nợ.

Trên nhiều trang mạng rao vặt, căn hộ tòa nhà FLC Lê Đức Thọ được nhiều nhà đầu tư rao bán với mức 23-25 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí đã bao gồm phí sang tên. Anh Thịnh Lâm, một môi giới ở khu vực Mỹ Đình cho biết văn phòng anh đang có 5 căn hộ được chủ nhà ký gửi suốt hai tháng nay song vẫn chưa bán được. "Một dự án ở khu vực Dịch Vọng, cách FLC 2 km nhưng chào bán tới trên 30 triệu đồng một m2. Mặc dù dự án ở Lê Đức Thọ giá rẻ nhưng cũng ế, không ai mua trong tháng 7 âm lịch", anh Lâm nói.

Trao đổi với PV, ông Phạm Trung Hà, tổng giám đốc Hòa Phát Land cho rằng, động thái bỏ ngang dự án chấp nhận nộp phạt là hành động khôn ngoan để cắt lỗ. Bởi thực tế, nếu nhà đầu tư tiếp tục theo đuổi dự án, họ sẽ mất hàng tỷ đồng, trong khi đó, cơ hội mua đi bán lại trong bối cảnh hiện nay là không thể. "Thời điểm nhà đầu tư thu lời hàng trăm triệu đồng nhờ lướt sóng đã qua lâu rồi nên họ buộc phải phá hợp đồng chấp nhận 'đau một lần' còn hơn ôm đến hết vòng đời dự án với đống tài sản 'chết' không bán được cho ai", ông nói.

Theo ông Hà, trong bối cảnh địa ốc trầm lắng ở '''tháng cô hồn" (tháng 7 âm lịch), các căn hộ càng cao cấp càng phải hạ giá bán. Nhiều chung cư tự gắn mác cao cấp để đẩy giá hàng nghìn USD mỗi m2 và vượt xa giá trị thực nên nay buộc phải điều chỉnh. Tuy nhiên, ông Hà phân tích, dù có "đại hạ giá" cũng không có ai mua vì nhà đầu tư đang trong tình cảnh tháo chạy. Còn người mua thực cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán cẩn thận về chất lượng cũng như giá tiền, thậm chí chờ thị trường chạm đáy nên sẽ không mua vội vàng.

"Nếu như trước đây, khi địa ốc còn khan hiếm, thông tin thiếu, người ta phải nhờ mối quan hệ mới mua được chung cư thì nay dự án đã ê hề. Khi địa ốc còn hưng thịnh, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn mua để cho thuê lại, nhưng nay cho thuê cũng khó nên dự án chung cư đã ế càng ế hơn", ông nói. 


Theo VnExpress

Cùng chia sẻ, tìm biện pháp tháo gỡ

Cuối tuần qua, hàng trăm khách hàng kéo đến dự án căn hộ Good House Apartment (đường Trương Đình Hội, phường 16, quận 8, TPHCM) để yêu cầu CTCP Lê Minh M.C bàn giao nhà đúng tiến độ, nhưng không gặp được chủ đầu tư.

UBND phường 16, quận 8 đã mời người dân đến trụ sở ủy ban để hòa giải. Tại đây, bà Nguyễn Thị Minh Dung, Giám đốc CTCP Lê Minh M.C, đã đợi sẵn. Theo khách hàng, họ đã đóng tiền mua nhà từ năm 2009, đa số đã đóng được 60-80% giá trị căn hộ. Chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà hoàn thiện vào tháng 6-2011, sau đó khất dần sang năm 2012 và quý I-2013.


Các khách hàng yêu cầu công ty cho biết chính xác thời hạn giao nhà chứ không thể hẹn ở một thời gian vô định. Nếu gặp khó khăn tài chính, công ty phải bán tháo số căn hộ còn lại để đẩy nhanh tiến độ thi công, giao nhà đúng hẹn cho khách hàng.


Bà Nguyễn Thị Minh Dung cho biết: “Chúng tôi biết đây là trách nhiệm của mình và không hề chối bỏ. Tuy nhiên, chúng tôi không thể trả lời chính xác khi nào bàn giao căn hộ vì hiện nay công ty đang gặp khó khăn về tài chính. Chúng tôi sẽ gánh chịu về mặt pháp lý trước pháp luật và nội dung cam kết trước khách hàng. Đối với yêu cầu của khách hàng muốn biết khoản tiền góp mua căn hộ sử dụng ra sao, công ty sẵn sàng thuê kiểm toán độc lập. Còn nếu muốn bàn giao hiện trạng phía công ty cũng sẵn sàng bàn giao”.


Đại diện đơn vị thi công cho biết thêm hiện có khoảng 100 công nhân làm việc. Nếu chủ đầu tư xoay xở được tiền, dự kiến sẽ hoàn tất công trình trong vòng 3-4 tháng. Dự án Good House Apartment cao 15 tầng với tổng số 252 căn hộ. Tòa nhà đã hoàn tất đổ bê tông hết tầng 15.


Tuy nhiên, các hạng mục về cơ điện như thang máy, điện, xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, cửa, lan can, lót gạch và sơn lại đang làm dang dở. Chủ đầu tư hiện đã ký hợp đồng với 171 khách hàng, tổng giá trị các hợp đồng bao gồm thuế giá trị gia tăng là 162 tỷ đồng.


Dự án còn lại khoảng 80 căn chưa bán, trong đó có 75 căn thực hiện chương trình tái định cư trên địa bàn quận 8. Khó khăn nhất của chủ đầu tư là lượng căn hộ phục vụ tái định cư chưa được cơ quan chức năng ký hợp đồng và ứng tiền nên doanh nghiệp không kịp hoàn trả vốn cho ngân hàng, dẫn đến nợ quá hạn.


Tổng số tiền doanh nghiệp đã đầu tư cho dự án 128 tỷ đồng, còn nợ nhà thầu thi công và đối tác là 34 tỷ đồng. Để thi công và hoàn thiện cần thêm 20 tỷ đồng nữa.


Hiện nay doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như lãi suất cao khiến nợ xấu tăng, doanh nghiệp không bán được sản phẩm, lượng hàng tồn kho lớn.


Nhiều biện pháp quyết liệt đã được các doanh nghiệp BĐS đưa ra như tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, đình hoãn, giãn tiến độ triển khai dự án, chỉ tập trung hoàn thiện những công trình cấp thiết để bàn giao cho khách hàng. Trong bối cảnh khó khăn chung, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều trường hợp khách hàng “liên kết” gây sức ép doanh nghiệp, song phần lớn không tìm được tiếng nói chung.


Doanh nghiệp bế tắc, còn người dân mất niềm tin vào doanh nghiệp. Khó khăn có thể xuất phát từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, vì vậy các bên cần bình tĩnh ngồi lại tìm biện pháp tháo gỡ, chia sẻ khó khăn, khắc phục hậu quả chứ không nên làm phức tạp thêm tình hình.
 

Theo ĐTTC

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Không dễ “tháo lui” khỏi thị trường địa ốc


Lời khuyên của nhiều chuyên gia lúc này là nên cân nhắc “rút chân” khỏi thị trường địa ốc. Song, trên thực tế, cả chủ đầu tư lẫn khách hàng đều không dễ thực hiện.

Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Ninh Bắc, chủ đầu tư Dự án Chung cư cao cấp FLC Landmark Tower (đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm, Hà Nội) vừa quyết định thành lập tổ công tác để “xử lý” công nợ cho Dự án này.

Dự án cao 25 tầng (với khoảng 300 căn hộ) được hoàn thành và bàn giao từ tháng 4/2012, nhưng đến nay, nhiều chủ hộ vẫn không chịu thanh toán và không nhận bàn giao căn hộ. Theo ước tính, số tiền mà chủ đầu tư đang “mắc kẹt” tại Dự án này lên đến hàng trăm tỷ đồng. FLC chỉ là một trong số hàng chục chủ đầu tư có dự án bất động sản tại Hà Nội đang “mắc cạn”, do không thu được tiền từ khách hàng để đầu tư, kinh doanh theo kế hoạch.

Về phần mình, nhiều khách hàng đặt cọc mua nhà đã sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền cọc hoặc tìm kiếm những kẽ hở trong hợp đồng, những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai xây dựng dự án để đòi trả lại tiền đặt cọc, hoặc trì hoãn nộp tiền xây dựng dự án theo tiến độ. Trường hợp một khách hàng kiện chủ đầu tư Dự án CT1 Tân Tây Đô là ví dụ điển hình.

Từ tháng 3/2011, bà Trần Thị H., trú tại Tập thể Quân đội (Cầu Giấy, Hà Nội) cho Công ty TNHH Xuân Phương, chủ đầu tư Dự án Chung cư CT1 khu đô thị mới Tân Tây Đô, vay số tiền 300 triệu đồng. Trên phiếu thu ghi rõ lý do: “Thu tiền vay vốn xây dựng nhà cao tầng CT1, sau khi có đủ điều kiện bán nhà theo quy định của pháp luật, sẽ được ưu tiên mua 1 căn hộ tại tầng 18, nhà cao tầng CT1”. Đến thời điểm hiện tại, do không có nhu cầu mua căn hộ tại Dự án này, nên bà H. đã yêu cầu Công ty Xuân Phương hoàn lại số tiền trên bằng tiền mặt, chứ không phải quyền mua căn hộ như thoả thuận ban đầu.

Bà H. cũng đã uỷ quyền cho một công ty luật đứng ra thu xếp, giải quyết, nhưng vụ việc cũng chưa đi đến đâu khi chủ đầu tư Dự án khẳng định, Công ty đã sử dụng số tiền trên đúng mục đích là đầu tư xây dựng Dự án CT1. Muốn được hoàn lại tiền, bà H. phải đợi chủ đầu tư sau khi bán được căn hộ mà bà đặt mua với giá 17 triệu đồng/m2 để thu hồi vốn. Trong bối cảnh giá căn hộ tại Dự án này đang được giao dịch trên thị trường tự do ở mức 13,5 đến 14 triệu đồng/m2, thì việc bà H. sớm đòi lại số tiền 300 triệu đồng đã nộp cho chủ đầu tư là không dễ.

Gần đây nhất, chiều ngày 21/8 vừa qua, hàng chục khách hàng lại kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVCR) tại số 18, Nguyễn Huy Tự, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - chủ đầu tư Dự án Hanoi Time Tower (Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông) để đòi lại tiền đặt cọc, với lý do dự án thi công chậm trễ nhiều tháng nay.

Theo thoả thuận đặt cọc, chủ đầu tư Dự án cam kết sẽ bàn giao căn hộ vào quý IV/2013, nhưng gần 2 năm trôi qua, Dự án vẫn dừng lại ở hạng mục “làm móng” và hầu như không có thêm tiến triển nào. Nhiều khách hàng đã chấp nhận bán “cắt lỗ” hàng trăm triệu đồng và khoản tiền chênh lệch họ phải trả qua sàn bất động sản, nhưng không thành công.

Một sức ép vô cùng lớn với chủ đầu tư các dự án là yêu cầu về tiến độ giao nhà từ phía người mua nhà. Thị trường khó khăn, những người bỏ tiền mua nhà đang ngày càng cảnh giác hơn với các động thái của chủ đầu tư. Mọi động thái tại các dự án bất động sản đều bị theo dõi, giám sát gắt gao. Chỉ cần chủ đầu tư giảm tiến độ thi công dự án là ngay lập tức có thể khiến các khách hàng phản ứng, nổi giận.

Theo những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, quyết định sáng suốt nhất lúc này là nên tìm cách “tháo lui” khỏi thị trường. Song nói thì dễ, thực hiện được lại cực khó.Theo Báo Đầu Tư

Đánh mạnh thuế đối với nhà đất bỏ hoang để 'triệt' đầu cơ


UBND TP Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện việc đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu của nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Biệt thự bỏ hoang một năm thì sẽ bị tính thuế 10% tổng giá trị biệt thự

Tuy nhiên, trong khi tình hình thị trường bất động sản đang suy giảm chưa có tín hiệu khởi sắc... liệu giải pháp này có khả thi hay không?

Giải pháp quyết liệt

Thành phố Hà Nội cũng đã có những động thái tích cực như phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra phương án đánh thuế hoặc xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư có biệt thự bỏ hoang với mức thuế dự kiến như: Biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm mà biệt thự đó vẫn bỏ hoang thì sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự. Đồng thời, TP còn kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Ngoài việc đánh thuế cao với mức tỷ lệ % dự kiến như trên, Bộ Tài chính còn đề xuất xử phạt hành chính biệt thự bỏ hoang với chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt là 10 - 20 triệu đồng/căn.

Lý giải cho nguyên nhân của tình trạng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, khởi phát một phần từ nạn đầu cơ đất đai của một số “đại gia”, những người có tiền và cũng do thị trường bất động sản thời gian qua bị đóng băng nên việc nhà đầu tư kinh doanh biệt thự không thể bán được hàng cho những đối tượng có nhu cầu sử dụng thực sự. Cùng với đó là các chiêu trò của giới đầu tư bất động sản với các phương thức đầu tư kinh doanh phát triển các dự án nhà ở như phân lô, bán nền, bán nhà, biệt thư xây thô khi hệ thống hạ tầng khu đất chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Luật gia Phạm Hồng Tuyến- Hội Luật gia Hà Nội, việc khắc phục, xử lý hiện tượng biệt thự bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất thì cần phải có những quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản như cấm chia lô, bán nền, bán nhà xây thô, chủ đầu tư chỉ được phép bàn giao nhà đã hoàn thiện. Ngoài ra, về mặt pháp luật thì cần phải có những chế tài và những quy định chặt chẽ để các chính sách về thuế đối với đất đai được thực thi hiệu quả. Cụ thể, theo quy định pháp luật hiện hành thì mức thuế suất sử dụng đất phi nông nghiệp (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh) có mức thuế suất là 0,03%, phần diện tích đất vượt hạn mức không quá 3 lần có thuế suất 0,07%, phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức có thuế suất 0,15%. Đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% (Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010).

“Các quy định hành chính cũng như quy định của pháp luật liên quan đến thuế suất sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay không có tác dụng đối với hiện tượng “đầu cơ” BĐS nói chung và biệt thự nói riêng. Bởi lẽ theo kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới, qui định về mức thuế sử dụng đất ở, đất phi nông nghiệp là rất cao như: Mức thuế phải nộp lên tới mấy chục %, thậm chí 100% như ở Anh, Mỹ... các nước này đánh thuế cao như vậy để cho những đại gia lắm tiền nhiều của không đầu tư vào đất nữa mà có thể họ dành tiền đầu tư vào lĩnh vực khác có mức lợi nhuận cao hơn”- Luật gia Phạm Hồng Tuyến nói.

Sửa thuế để tránh đầu cơ
Bộ Tài chính đề xuất xử phạt hành chính biệt thự bỏ hoang với chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt là 10-20 triệu đồng/căn.
Để hạn chế hiện tượng đầu cơ bất động sản tại VN, chúng ta cần phải sửa đổi bổ sung Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010, trong đó có những quy định chuyên biệt điều chỉnh, xác định diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, diện tích đất lấn, chiếm và diện tích đất chưa sử dụng theo đúng quy định để làm căn cứ tính thuế.

Cụ thể đánh thuế lũy tiến chủ sở hữu từ căn nhà thứ 2 trở đi, để cho những đối tượng này đưa bất động sản vào sử dụng hoặc phải chuyển nhượng cho những người có nhu cầu thực sự. Đồng thời, nhà nước nên giao việc thu thuế cho các văn phòng đăng ký nhà đất đại diện hoặc ủy nhiệm thu vì cơ quan này là đầu mối nắm rõ nhất về “lai lịch” căn nhà để kịp thời xử lý các trường hợp khai thiếu trung thực. Bởi quản lý bất động sản có những đặc thù riêng, cũng có cái khó là nhiều thủ tục, giấy tờ nhưng dễ ở chỗ bất động sản là tài sản được phơi bày ra không thể giấu được.

Tuy nhiên, việc đánh thuế cao này có thể sẽ có những phản ứng, ảnh hưởng đến phần lớn những người sử dụng đất không có tính chất đầu cơ, họ chỉ là những người mua đi bán lại bình thường theo đúng quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Nhưng sẽ giải quyết triệt để việc đầu cơ đất đai, tránh lãng phí tài nguyên đất và xác định, công khai được rõ danh tính chủ sở hữu.
Theo DĐDN

Một bước tiến, hai bước lùi…


Khi thị trường trầm lắng, nhìn vào đâu người ta cũng thấy những vấn đề cần giải quyết, phân khúc nào cũng tồn tại những bất cập. Phân khúc cao cấp dư cung đã được nói nhiều, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê cũng vậy. Nay đến tình trạng biệt thự bỏ hoang, các dự án mang danh của chủ đầu tư nước ngoài nhưng thực chất là huy động vốn trong nước, rồi căn hộ giá rẻ - phân khúc sáng giá nhất - cũng bị nhà đầu tư bán tháo,… Tất cả khiến cho khả năng bật dậy của thị trường chưa thể thành hiện thực trong ngắn hạn.

“Sóng” giá rẻ tan nhanh

Dự báo “sóng” căn hộ giá rẻ sẽ không bền xảy ra nhanh hơn cả những gì người ta lo ngại, ít nhất là ở thị trường Hà Nội. Chưa đầy hai tháng kể từ ngày gây “sốt nhẹ”, khi hàng trăm người chen nhau đăng ký mua căn hộ giá rẻ của khu đô thị Đại Thanh, nhiều người phải mua cao hơn giá gốc hàng chục triệu đồng, nay tình trạng “xả hàng” đã đến và người bán vẫn nhiều hơn người mua.

Chủ dự án căn hộ giá rẻ đưa ra mức giá đợt chào bán sau thấp hơn giá đợt chào bán trước đã đành, nhà đầu tư cá nhân tranh thủ “lướt sóng” cũng xả hàng quá sớm với giá rẻ hơn cả giá mua để cắt lỗ, khiến những người đã mua cảm thấy… tiếc vì sao không gắng chờ thêm. Tìm lời giải cho tình trạng này không phải là điều quá khó khăn.

Nhu cầu của người thu nhập thấp về căn hộ giá rẻ là rất lớn và vì vậy, cả chủ dự án lẫn các nhà đầu tư thứ cấp đều xem đây là “lối ra” của thị trường, khiến phân khúc này sôi động trong thời gian qua. Nhưng cũng chính tâm lý muốn kiếm lời nhanh chóng, hào hứng với cơ hội làm ăn khả dĩ trong thời buổi khó khăn, đã khiến một số nhà đầu tư thứ cấp nhanh chóng nhảy vào rồi lại bỏ cuộc khi thấy giá không tăng như kỳ vọng.

Khi hào hứng, các nhà đầu tư quên rằng từ nhu cầu thực đến bỏ tiền ra mua là một khoảng cách xa. Những người có nhu cầu và đủ tiền để mua không nhiều - dù chỉ là căn hộ giá rẻ - không những thế họ còn có tâm lý chờ đợi giá rẻ thêm, khiến lực cầu không cao như một số người từng kỳ vọng. Càng nhiều nhà đầu tư bán cắt lỗ, căn hộ giá rẻ càng rẻ hơn và càng chứng tỏ việc những người có nhu cầu nên tiếp tục chờ đợi là hợp lý.

Đó là chưa kể các dự án căn hộ giá rẻ tại Hà Nội ở khá xa trung tâm, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông còn kém nên chưa thu hút được người mua. Và điều quan trọng nhất là thời hạn giao nhà tại nhiều dự án quá dài nên người mua buộc phải tính toán đến tiến độ, chất lượng của công trình.

Khi các dự án căn hộ trung, cao cấp gần hoàn thành mà nhiều chủ đầu tư còn không đủ tiền để hoàn thiện, thì khả năng đúng tiến độ của các dự án căn hộ giá rẻ cần được đặt dấu hỏi. Những yếu tố kể trên khiến căn hộ giá rẻ trở nên bớt hấp dẫn, dù không thể phủ nhận đây vẫn là phân khúc phù hợp nhất hiện nay, được rất nhiều người quan tâm.

Xám nhiều hơn sáng

Tình trạng dư cung ở Hà Nội với khoảng một trăm ngàn căn hộ (đa phần thuộc phân khúc trung, cao cấp) tồn đọng tính đến thời điểm này là trầm trọng hơn ở TP. Hồ Chí Minh.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm, còn có thêm khoảng 12 ngàn căn hộ tham gia thị trường thủ đô, một nửa trong đó thuộc phân khúc trung và cao cấp. Rõ ràng, việc dự báo thị trường không chính xác trong những năm trước, làm ra sản phẩm mà không quan tâm đến khả năng tài chính của người có nhu cầu đã dẫn đến tình trạng dư thừa căn hộ cao cấp hiện nay. Các hình thức khuyến mãi, giảm giá, liên kết với ngân hàng… của các chủ đầu tư thời gian qua chưa tạo được hiệu ứng tích cực. Giải quyết thanh khoản cho phân khúc này vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Dư cung là vậy, nhưng theo các công ty nghiên cứu thị trường, trong vòng hai năm tới, căn hộ cao cấp vẫn chiếm khoảng một nửa nguồn cung, bất chấp phân khúc này gần như không còn yếu tố đầu cơ, khách hàng chủ yếu là người mua để ở.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay và vài năm tới, những người đủ khả năng mua căn hộ cao cấp rất ít, vậy con số “một nửa nguồn cung” ấy nói lên điều gì?

Đó là cơ hội phát triển của thị trường trong tương lai là không nhiều, nên dù biết là khó bán nhưng các chủ đầu tư vẫn phải nhảy vào phân khúc cao cấp bởi nếu bán được sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn. Dù gì thì những người đủ tiền mua căn hộ trung, cao cấp ở Hà Nội vẫn nhiều hơn những nơi khác. Nên mới có chuyện hàng loạt khu biệt thự giá hàng chục tỉ đồng bỏ hoang nhưng chủ nhân của chúng vẫn không quan tâm, khiến dư luận bức xúc vì sự lãng phí nguồn tài nguyên.

Tâm lý đầu cơ còn nặng nề trong thị trường bất động sản, lan sang cả các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư nước ngoài khi xin cấp phép dự án bất động sản đã đăng ký vốn lên tới 3-4 tỉ USD nhưng số vốn thực sự đưa vào Việt Nam chỉ khoảng 30%, chủ yếu là chi phí giải phóng mặt bằng, đổ móng... Sau đó, nhà đầu tư ngoại sẽ huy động vốn trong nước hoặc chuyển nhượng dự án để thu lợi.

Theo một báo cáo vừa được Ủy ban nhân dân Hà Nội gửi Bộ Xây dựng, trên địa bàn thủ đô có 95 dự án bất động sản vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tuy nhiên số dự án triển khai đúng tiến độ rất ít, hầu hết đều rất chậm chạp. Đó là do những năm trước, khi lượng vốn FDI đổ vào bất động sản đạt mức kỷ lục vài chục tỉ USD, cũng là thời điểm thị trường bất động sản đang nóng nhất, các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào chạy dự án để giữ chỗ.

Tuy nhiên, sau khi triển khai xong được thủ tục xin dự án thì thị trường bắt đầu trầm lắng, giá bất động sản sụt giảm liên tục khiến họ không thể huy động vốn để tiến hành dự án theo đúng tiến độ. Dù các cơ quan chức năng có đưa ra nhiều quy định chặt chẽ như tỷ lệ vốn đầu tư chung phải đưa vào, có tài khoản riêng mở tại Việt Nam và phải thực hiện được 30% tổng số vốn đầu tư đăng ký đối với dự án cụ thể mới được huy động vốn của người mua... nhưng thường khi cấp phép xong việc quản lý không còn nghiêm túc nữa nên mới xảy ra tình trạng trên.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình có vẻ khá hơn, với chỉ khoảng 47 ngàn căn hộ các loại hiện chưa có người mua. Các căn hộ tại khu đô thị giá rẻ, hoặc đất nền kèm nhà giá từ 700 triệu đồng đến một tỉ đồng tại thành phố này và các tỉnh lân cận vẫn có nhiều người quan tâm, giao dịch mua bán vẫn được ký kết. Đó là tiền đề cho việc thị trường sẽ hồi phục theo hướng trở về với giá trị thực một cách ổn định, dù chưa phải trong tương lai gần.

BĐS còn phải hạ mình: Đừng vội mua nhà?

Giới kinh doanh bất động sản tại Việt Nam từng "sốc" với tuyên bố hùng hồn của Hoàng Anh Gia Lai về việc giảm 50% giá căn hộ và mức giảm như thế này họ vẫn có lãi. Ngay lập tức thị trường bất động sản lại "dấy" lên sự nghi ngờ về lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này. Phải chăng thị trường vẫn còn "vùng" giảm giá?

Hãy chờ đáy thực, đừng nghe 'cò' thổi

Thị trường BĐS lâm vào khó khăn thời gian qua, bên bán đã phải "hạ mình" làm đủ trò tiếp thị với mong muốn sản phẩm đến tay người sử dụng. Nhưng dù áp dụng khuyến mại, tặng quà, chiết khấu đủ kiểu, hỗ trợ người mua nhà với lãi suất thấp, thậm chí 0%/năm đầu hoặc cho khách hàng vào ở thử một năm rồi mới ký hợp đồng mua bán... song cũng không thể kích được thị trường.

Nếu như doanh nghiệp cho rằng, giá BĐS giảm như hiện nay là đã "kịch kim" rồi, không thể giảm hơn được nữa thì người mua vẫn giữ quan điểm, giá BĐS đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, vượt quá khả năng chi trả. Do đó, dù có muốn mua nhà thì cũng không thể được, trừ phi doanh nghiệp mạnh dạn giảm giá thêm nữa.

Tại Hà Nội, những chung cư cao cấp đã hoàn thiện và bàn giao cho đến giờ này rất ít công khai xuống giá. Trong khi đó những chung cư đã vào ở, hạ tầng xã hội đầy đủ thì mức giá giao dịch trên thị trường thứ cấp chỉ giảm nhẹ vài ba triệu đồng/m2 đối với những trường hợp cá lẻ.

Ví dụ khu Trung Hòa Nhân Chính, giá giao dịch căn hộ có nơi chỉ còn 36-38 triệu đồng/m2, so với lúc cao điểm trên 40 triệu đồng/m2. Chung cư tại khu Linh Đàm từ mức trên 30 triệu đồng, hiện xuống quanh mức 26-28 triệu đồng/m2...

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại Láng Hạ cho rằng, cứ hô hào giảm giá nhưng thực sự dự án nào giảm giá là hết sức có vấn đề. Vị này phân tích, khách hàng có nhu cầu bao giờ cũng chạy theo các thông tin giá rẻ nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thì thấy rằng không phải rẻ là tốt.

Bằng chứng bán hàng của đơn vị này cho thấy, Hà Nội đã có những dự án không hề rẻ mà giao dịch vẫn tốt. Cụ thể là tòa CT13 Ciputra hay dự án VNT Tower số 19 Nguyễn Trãi. Với mức giá không hề rẻ - trên dưới 30 triệu đồng/m2 nhưng căn hộ tại hai dự án đã cơ bản được mua gần hết sau khoảng hơn 2 năm triển khai mở bán.

Nhưng những trường hợp như trên quả là hiếm hoi trong diện mạo ngày càng tồn đọng, thừa ế hàng sản phẩm. Vậy, phải làm thế nào để có thể dùng hoà được giữa người bán và người mua, nhất là trong hoàn cảnh thị trường bất động sản đang lâm vào tình trạng "dở sống, dở chết" như hiện nay? Nếu chủ đầu tư BĐS vẫn giữ giá, và người dân thì cứ chờ đợi giá giảm thêm?

Quá đắt ắt phải hạ

Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty Tư vấn Bất động sản Navigat cho rằng, đứng về góc độ nào đó thì người dân luôn luôn đúng và doanh nghiệp BĐS họ cũng có cái lý của mình.

Nhiều ý kiến cho rằng, để kích cầu thị trường thì doanh nghiệp nên tiếp tục giảm giá, thậm chí giảm sâu đến 50% so với mức giá hiện nay, lúc đó mới mong người dân quay trở lại với thị trường. Bởi lẽ mới đây, một tên tuổi trên thị trường BĐS phía Nam là Hoàng Anh Gia Lai cũng đã từng tuyên bố có thể giảm giá bán căn hộ 50% mà vẫn có lãi.

"Nếu người dân nói giá BĐS nên giảm hơn nữa thì tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm của người dân và chúng tôi cũng nhìn thấy có "vùng" để cho BĐS có thể giảm xuống nữa", ông Quang nói.

Tuy nhiên, theo vị này để hiện thực hoá việc giảm giá BĐS thì doanh nghiệp chỉ là một nhân tố trong đó và quan trọng nhất là các cơ quan chức năng phải xem lại chính sách về điều hành kinh tế vĩ mô bao gồm chính sách về quyền sử dụng đất, giá đất cũng như việc đền bù giải phóng mặt bằng, những chính sách về tài chính ngân hàng như lãi suất...

Thời điểm này không thể có doanh nghiệp nào giảm giá bán đến 50% mà vẫn có lãi được. Câu chuyện doanh nghiệp nói chỉ đúng với bối cảnh cách đây từ hơn nửa năm về trước.

GS Đặng Hùng Võ cũng thận trọng cho rằng, nói BĐS còn giảm giá nữa hay không thì cần có sự tính toán và so sánh. Đối với người mua chắc chắn họ cũng đã cân nhắc và tính được, chẳng hạn một sản phẩm được tạo lập bao gồm những yếu tố khác nhau, ví dụ như nhà ở mới chỉ được xây thô sẽ có giá khác với nhà ở đã được hoàn thiện hoặc đã bao gồm đồ nội thất có sẵn. Hay giá nhà sản xuất đơn lẻ cũng sẽ khác với giá nhà căn hộ được xây dựng nhiều tầng...

Bên cạnh đó sản phẩm, giá trị BĐS còn phụ thuộc vào vị trí, cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông. Nếu người mua để ở thì giá cũng là một yếu tố. Phải cùng một hoàn cảnh mà đưa ra một vài sản phẩm để từ đó người mua lựa chọn loại nào có mức giá thấp nhất, đó mới là một sự so sánh, lựa chọn chuẩn xác.

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, thị trường BĐS bị đóng băng như hiện nay là hệ lụy của giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường với sự tham gia ồ ạt của các nhà đầu cơ khiến giá cả BĐS bị đẩy lên.

Ông nói: "Không có lý do gì mà một ngôi nhà xây nên với giá thành và đất xây dựng không tới 10 triệu đồng mà bán ra phải 50-60 triệu đồng/m2. Sự bất hợp lý này tạo những cơn sốt ảo và đến thời điểm nhất định thị trường phải đóng băng là đương nhiên. Những nhà đầu cơ giờ đã hết tiền bởi ngân hàng không còn cho vay đối với lĩnh vực BĐS. Sự đóng băng này là khó giải quyết vô cùng bởi hàng hóa không phù hợp với thị trường".
Theo DĐKTVN

'Ôm' hàng hiếm quý hiếm: Vỡ mộng penthouse

Bất động sản trầm lắng kéo dài khiến các nhà đầu tư căn hộ cao cấp, nhất là các căn penthouse, lỗ nặng. Mặc dù giá penthouse thấp hơn so với các căn hộ cùng dự án nhưng số giao dịch thành công vẫn rất thấp.

Mất giá mạnh

Gặp khó khăn về tài chính, anh Tùng - chủ một căn hộ penthouse dự án ở Đê La Thành - đang chào bán với giá 34 triệu đồng/m2, tương đương những căn hộ thông thường cùng dự án. Căn hộ này rộng hơn 186m2, 3 phòng ngủ, giá chỉ gần 7 tỷ đồng. So với giá mua cách đây vài năm, anh chịu bán lỗ vốn. Nhưng loại căn hộ penthouse này lại khó bán cũng vì lý do hàng hiếm. Khách hàng chê bởi diện tích lớn cùng với những bất cập trong thiết kế.

Điểm qua một loạt dự án căn hộ cao cấp tại Hà Nội, có tới hàng chục tòa nhà có căn hộ penthouse, nhưng số lượng căn hộ đã bán chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí có dự án không bán được căn nào. Nếu như những căn penthouse cao cấp có mức giá bình quân khoảng 100 triệu đồng/m2 thì tại nhiều dự án, penthouse được rao bán với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí tương đương với căn hộ cao cấp. Việc rao bán tràn lan trên mạng cũng đã khiến cho loại hình căn hộ hạng sang này bị mất danh giá.

Tại Hà Nội, một số dự án có căn hộ penthouse đã đi vào sử dụng là Keangnam Hanoi Landmark Tower, E1 Ciputra, Tây Hồ, Golden Westlake,... Nhiều dự án đang trong quá trình xây dựng cũng có loại hình căn hộ này như Hồ Gươm Plaza, Sky Garden, Tricon Towers,...

Chủ đầu tư dự án Richland Southern ở Cầu Giấy cũng đang bán căn penthouse diện tích 116 m2 đến 179m2 với mức giá từ 67 triệu đồng/m2. Trong khi đó, căn hộ penthouse của dự án chung cư cao cấp Hapulico đang được bán với mức giá chỉ 31 triệu đồng/m2. Căn hộ này nằm ở từ tầng 19 của dự án, có diện tích từ 250 m2. Penthouse dự án Mipec Tower 195m2, tiêu chuẩn 5 sao, có khoảng 55 triệu đồng/m2.

Các dự án căn hộ cao tầng gần như đều có căn hộ penthouse với mức giá đắt hơn thông thường (ảnh minh họa)

Chủ đầu tư e ngại khó bán

Trong lúc thị trường ảm đạm như hiện nay, ngay cả căn hộ bình dân gặp khó khăn nên việc những căn hộ penthouse hàng chục tỷ đông ế khách cũng là điều dễ hiểu. Cũng chính vì thế, mà nhiều chủ đầu tư không mấy thiết tha với loại hình căn hộ này, có chăng chỉ thêm vào dự án để nâng tầm đẳng cấp.

Theo tiết lộ của một chủ đầu tư dự án căn hộ chung cư cao cấp ở Hà Đông, trong khuôn khổ dự án, mỗi tòa đều có 4 căn hộ penthouse diện tích từ 250 đến 300m2. Tòa CT2 của dự án này, các căn penthouse đã có người đặt mua nhưng đến thời điểm hiện tại, đơn vị bán hàng vẫn chưa có giá cụ thể và thiết kế nội thất chính thức của căn hộ siêu sang này vẫn còn đang chỉnh sửa. Loại hình căn hộ này luôn đòi hỏi nhiều khắt khe về vị trí cũng như thiết kế nội thất, và cả khách hàng cũng rất kén chọn.

Một dự án khác ở Bắc An Khánh, mặc dù những căn penthouse của dự án đã chào bán trên thị trường một thời gian dài nhưng vẫn chưa có chủ nhân, mặc dù chủ đầu tư đã xây dựng nhà mẫu và lên nhiều chương trình bán hàng đặc biệt. Mỗi căn penthouse có diện tích 575m2, với 5 phòng ngủ đang được rao bán với giá 3.000 USD/m2.

Ngay cả dự án đã đi vào hoạt động cũng đang ế loại căn hộ penthouse, như một dự án căn hộ cao cấp ở Cầu Giấy đang chào bán giá hơn 60 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư không kỳ vọng về việc bán được những căn hàng chục tỷ đồng này do các căn thông thường vẫn còn đang tồn đọng số lượng không nhỏ, dù đã có nhiều chương trình khuyến mại cho khách hàng.

Ông Phạm Mạnh Cường, Công ty đầu tư Sao Việt, cho hay, khả năng sinh lời từ đầu tư căn hộ penthouse rất thấp. Thị trường penthouse là của khách VIP, đại gia và những người nổi tiếng. Nếu tính cả các dự án xây dựng trong một vài năm tới, tổng số lượng các căn penthouse tại Việt Nam cũng không vượt quá 500 căn.

Bà Nguyễn Anh Thư, Giám đốc bộ phận Kinh doanh, VP Hà Nội, Savills Việt Nam cho biết, căn hộ penthouse hiện nay vẫn là một sản phẩm cao cấp trong phân khúc căn hộ để bán trên thị trường. Giá cả tùy thuộc từng dự án với yếu tố vị trí, thiết kế, điều kiện bàn giao và tên tuổi chủ đầu tư khác nhau. Tuy nhiên giá căn hộ penthouse thường cao hơn giá các căn hộ khác trong cùng dự án khá nhiều.

Trước đây, một bộ phận lớn khách hàng của sản phẩm căn hộ penthouse là những nhà đầu tư. Quyết định đầu tư của thời điểm bấy giờ là lựa chọn những căn hộ thật sự đẳng cấp, diện tích lớn, không gian sinh hoạt thoải mái, tiện ích riêng biệt. Penthouse đáp ứng đầy đủ tiêu chí lựa chọn của nhà đầu tư và trở thành sản phẩm được ưu tiên trong danh mục đầu tư với kỳ vọng giá trị đầu tư lớn sẽ mang lại hiệu quả lớn. Số lượng các căn hộ penthouse thường rất ít so với tổng cung căn hộ của các dự án, do đó khi chuyển nhượng lại, các căn hộ này được cho là "hàng quý hiếm".

Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, nền kinh tế suy thoái đã kéo theo diễn biến kém thuận lợi của thị trường địa ốc. Bất động sản đã vận động ngược lại với kỳ vọng của giới đầu tư. Nguồn cung sơ cấp dồi dào khiến cho nhu cầu chuyển nhượng giảm sút. Thêm vào đó, sản phẩm căn hộ penthouse ít được khách hàng lựa chọn do mức giá cao, không có khả năng chi trả. Phân khúc căn hộ penthouse vốn kén khách nay trở nên trầm lắng hơn trước.

Bà Thư nhận định, tính cạnh tranh của phân khúc căn hộ penthouse ngày một cao hơn. Chủ nhân của những căn hộ này sẽ lựa chọn rất thận trọng và tinh tế. Họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng và đòi hỏi rất cao về vị trí dự án, phong cách thiết kế, và hệ thống tiện ích. Khách hàng sẽ đi tìm những sản phẩm thực sự đẳng cấp nhưng cũng sẽ quan tâm đến giá cả và phương thức thanh toán.
Theo DĐKTVN

Cho thuê căn hộ B1 Trường Sa, quận bình thạnh, Dt 54m2, 2pn, 2wc, giá 7 Tr/tháng


Cho thuê căn h B1 Trưng Sa. Ta lc ngay trung tâm Thành ph, gần Tho Cm Viên, sát Đi hc thy li... cách đưng Nguyễn Thị Minh Khai 100m. Din tích: 54m2, PK, 2 PN, 2 WC, bếp, 2ML...

Giá cho thuê:7.000.000 VND/tháng.

Giá cho thuê có nội thất: 8.5tr/tháng

LH: Nguyễn Đình Lý, Tel: 0937132049 




Cho thuê căn hộ B1 Trường Sa, Dt 54m2,2pn, nhà mới giao vào ở ngay


Cho thuê căn h B1 Trưng Sa, Dt 54m2,2pn, nhà mới giao vào ở ngay

Cho thuê căn h B1 Trưng Sa ngay trung tâm Thành ph, gần Tho Cm Viên, sát Đi hc thy li... cách đưng Nguyễn Thị Minh Khai 100m, 325 căn, 4 thang máy,4 thang bộ, BV24/24, MT đường ven sông.

Din tích: 54m2, PK, 2PN, 2WC, bếp, lầu cao, yên tỉnh....

Giá cho thuê:7.000.000 VND/tháng.

LH: Nguyễn Đình Lý, 

Tel: 0937132049 





Cho Thuê Căn Hộ B1 Trường Sa; nội thất đầy đủ, vào ở ngay


Cho Thuê Căn H B1 Trưng Sa; nội thất đầy đủ, o ngay

Căn hộ B1 Trường Sa. Tọa lạc ngay trung tâm Thành phố, đối diện Thảo Cầm Viên, sát Đại học thủy lợi, cáchđường Lê Duẫn 500m.

Diện tích: 60m2, 02 phòng ngủ,02 phòng vệ sinh, bếp, phòng khách. Tầng 6, Có đầy đủ tiện nghi: giường, nệm, tủ, tủ lạnh, máy giặt, máylạnh, máy nước nóng, sách vali vào ở ngay.

Giá cho thuê: 9.000.000 triệu/tháng.

Liên hệ: 093713249





Bán lỗ căn hộ B1 Trường Sa, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM; 24tr/m2; cho thuê 7tr/th


Căn hộ B1 Trường Sa, Phường 17, Quận Bình Thạnh, t Quận 1, ch Nguyễn Thị Minh Khai 50m, gần kề Thảo Cầm Viên. Căn hộ đã hoàn thiện mới 100%, giao nhà vào ở ngay. Tọa lạc ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, trên trục đường chính Trường Sa quận Bình Thạnh, được bao bọc bởi các đường giao thông chính: Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần kề Thảo Cầm Viên, trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị. Đã bàn giao căn hộ.
Diện tích 54m2, có 2 PN, 2WC.

Giá bán: 24tr/m2

Liên hệ: 0937132049



Cần mua nhà giá từ 500tr - 1 tỷ


Cần mua nhà giá từ 500tr - 1 tỷ  khu vực Bình Thạnh, Phú Nhuận, Q1, Q3, Q4, Q10, Q7, Nhà Bè


LH: 0937132049

Nguyn Đình Lý
Chuyên dch v quản lý, môi giới cho thuê nhà, căn h, phòng tr
Thiết kế - Trang trí nội thất - Xây dựng dân dụng (biệt thự, nhà phố, nhà xưởng, …)
Điện thoại:  0937132049