Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Nghịch lý chăn nuôi: Nguyên liệu giảm, giá thức ăn vẫn tăng


  (TBKTSG Online) - Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng, lập tức các doanh nghiệp nâng giá bán sản phẩm lên, người chăn nuôi phải è cổ ra mua thức ăn cho heo gà vịt giá cao. Thế nhưng, khi nguyên liệu giảm giá thì các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi vẫn án binh bất động. Đây là một nghịch lý mà thiệt thòi luôn thuộc về người chăn nuôi.
Không chỉ chịu thiệt thòi do giá bán dưới giá thành sản xuất mà người chăn nuôi còn bị doanh nghiệp sản xuất TACN “chèn ép” - Ảnh: TC.
Nguyên liệu giảm, thành phẩm vẫn đứng im
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết so với thời điểm cuối tháng 9, hiện giá nguyên liệu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) đã đồng loạt quay đầu giảm trở lại, từ 2,3 -  8,2% (tùy loại).
Cụ thể, khô dầu đậu nành có giá 14.175 đồng/kí lô gam, giảm 8,2% so với mức giá vào thời điểm cuối tháng 9; bắp 6.825 đồng/kí lô gam, giảm 7,1%; cám gạo giảm 5,6% xuống mức giá 7.140 đống/kí lô gam; sắn lát và bột cá giảm lần lượt 5,2 và 2,3% so với thời điểm cuối tháng 9, xuống mức giá lần lượt là 5.670 và 20.050 đồng/kí lô gam.
Dù giá nguyên liệu TACN đầu vào giảm nhưng giá bán sản phẩm vẫn giữ nguyện và hiện vẫn cao hơn mức giá ở thời điểm cuối tháng 9 từ 10.000 – 15.000 đồng/bao 25 kí lô gam (tùy loại).
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, cho biết giá thành phẩm bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: tăng lương cho công nhân, lãi suất ngân hàng, điện nước, cước vận tải, phí giao thông tất cả đều tăng vọt… làm tăng giá thành nên giá bán không giảm được.
“Giá tăng lên (giá thành phẩm) do nhiều yếu tố lắm chứ đâu phải chịu chi phối bởi mỗi yếu tố nguyên liệu đầu vào không đâu?”, ông Lịch cho biết.
Thiệt thòi thuộc về người chăn nuôi
Ông Tạ Hoàng Thạch, Chủ trang trại chăn nuôi heo quy mô 700 con ở ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh trao đổi qua điện thoại với TBKTSG Online, cho biết hiện người chăn nuôi đang phải gánh chịu mức lỗ khoảng 1 triệu đồng/tạ heo (tạ 100 kí lô gam) do chi phí TACN tăng cao, trong khi giá bán giảm mạnh (3,6 – 3,8 triệu đồng/tạ heo, tùy loại).
“Nhà nước mà không có biện pháp hữu hiệu “cứu” ngành chăn nuôi, chắc chắn ngành này sẽ phải phá sản hoàn toàn chứ không chỉ dừng lại ở mức lỗ lã như hiện nay không đâu”, ông Thạch nói.
Theo ông Lê Bá Lịch, Cục chăn nuôi cũng đã đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp “cứu” ngành chăn nuôi, chẳng thực hiện giãn nợ, khoanh nợ đối với các khoản vay cũ trong vòng 24 tháng...
Tuy nhiên, là người chăn nuôi thực tế, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết có rất ít hộ chăn nuôi tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi vì không đáp ứng được điều kiện để được vay của ngân hàng, dù Chính phủ có chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho người chăn nuôi.
Đối với vấn đề quản lý giá TACN, ông Công đề xuất: “Vai trò quản lý giá TACN phải do Nhà nước đảm nhận để có chính sách điều chỉnh tăng, giảm được hài hòa, phù hợp với lợi ích của nhà sản xuất và người chăn nuôi. Cụ thể, phải có quy định rõ trong một thời gian nhất định nào đó, nếu giá nguyên liệu đầu vào giảm thì bắt buộc đoanh nghiệp phải giảm giá bán và ngược lại”.
Theo ông Công, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, lập tức các doanh nghiệp sản xuất TACN tăng giá bán sản phẩm lên, tuy nhiên, khi giá nguyên liệu đi xuống, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá bán, không chia sẻ khó khăn đối với người chăn nuôi là điều bất công.
“Nếu cứ để như thế này, tức là để doanh nghiệp, nhà máy sản xuất TACN tùy tiện nâng giá bán một cách vô tội vạ thì người chăn nuôi sẽ còn thiệt thòi nhiều lắm”, ông Công nói .

Trung Chánh
http://www.thesaigontimes.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét