Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Địa ốc sắp bước vào chu kỳ mới: suy thoái


Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng bất động sản đã trì trệ 5 năm, giá trên đà đi xuống nên có thể năm 2013-2014 thị trường sẽ đi vào chu kỳ mới khi lãi suất giảm và gói hỗ trợ thị trường được Chính phủ triển khai.
Ngày 21/11, tại buổi tọa đàm "Cơ hội nào cho thị trường bất động sản" ông Hiển phân tích, năm 2008-2012 nguồn cung bất động sản quá lớn, giá còn cao so với thu nhập, người dân mất niềm tin, dòng vốn hạn chế. Giữa bối cảnh này, Chính phủ thận trọng cân nhắc giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế. Đây cũng là lý do bất động sản cầu cứu nhưng chưa được cứu.
Theo ông Hiển, ước tính đến quý 3/2012, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán bình quân giảm 20-25%. Lợi nhuận sụt giảm tới 35-40% so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho thành phẩm tính đến ngày 30/8 khoảng gần 41 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả những dự án đang xây dựng dở dang thì ước tính tồn kho có thể cao gấp 3 lần. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản là thiếu vốn và thị trường thu hẹp.
Nhiều dự báo trái chiều về sự hồi phục của thị trường bất động sản. Ảnh: Vũ Lê
Dù các con số thống kê cho thấy tình hình rất xấu nhưng chuyên gia này vẫn tỏ ra lạc quan về sự trở lại của thị trường bất động sản. "Với động lực là giá nhà đang đi xuống, tỷ giá USD ổn định, lãi suất hạ nhiệt đồng thời Chính phủ đang có động thái cân nhắc các gói hỗ trợ, thị trường địa ốc có thể sẽ đi vào chu kỳ mới trong năm 2013-2014", ông Hiển dự báo.
Trong khi đó, Chuyên gia đầu tư Trần Lê Khánh không chắc chắn một xu hướng nào. Ông Khánh đưa ra ba kịch bản để dự báo thị trường nhà đất trong tương lai. Kịch bản thứ nhất là nếu nền kinh tế phục hồi chậm thì giá sẽ giảm thêm 10-15%, trong điều kiện nguồn cung mới hạn chế, hàng tồn kho sẽ tiêu thụ trong 3 năm. Kịch bản thứ hai là nếu nền kinh tế đi ngang, giá sẽ giảm rất nhẹ và nguồn cung mới cũng rất ít. Kịch bản thứ ba là nếu nền kinh tế tăng mạnh giá sẽ tăng mạnh và nguồn cung cũng sẽ tăng theo.

Trái ngược với góc nhìn của các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản tỏ ra dè dặt hơn. Chủ tịch C.T Group, Trần Kim Chung có cái nhìn thận trọng hơn các chuyên gia nghiên cứu. Theo ông Chung, có rất nhiều yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và nền kinh tế. Vì vậy, với tình hình hiện nay khó ai nói tình hình thời gian tới sẽ nhu thế nào. Nếu như chỉ số cạnh tranh của nền kinh tế sa sút, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất bại, trong đó có ngành địa ốc. "Hiện nay tất cả các ngành đều chịu ảnh hưởng, dầu khí còn lo thì dân lấy đâu ra tiền mua nhà đất", ông Chung nói.
Các doanh nghiệp địa ốc tỏ ra thận trọng và dè dặt khi đánh giá thời điểm bất động sản tăng trường trở lại. Ảnh: Vũ Lê
Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land), Lê Hùng cho biết: "Lúc này dò đoán ngày phục hồi của thị trường địa ốc là quá lạc quan. Tôi nhận thấy năm 2013 vẫn chưa có yếu tố nào là động lực kéo bất động sản phục hồi. Thị trường vẫn còn khó dài dài".
Theo ông Hùng, vấn đề các doanh nghiệp địa ốc đang "đau đầu" hiện nay là chạy đua tăng thanh khoản trong bối cảnh thị trường trầm lắng, giá giảm. Ông Hùng đưa ra lời khuyên: "Còn quá sớm để kỳ vọng vào kịch bản phục hồi".
Cách đây 2 tháng, tại Ngày hội chứng khoán diễn ra ở Dinh Thống Nhất TP HCM (ngày 21/9), Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính Đại học Kinh tế TP HCM, Lê Đạt Chí từng thẳng thắng bày tỏ thái độ không đồng tình với dự báo theo kiểu kỳ vọng rằng năm sau kinh tế sẽ tốt hơn năm trước.
Theo chuyên gia này, GDP Việt Nam dựa trên đầu tư công, FDI (vốn nước ngoài) và tín dụng. Với bối cảnh kinh tế toàn cầu không thuận lợi và nguồn lực giới hạn của Việt Nam như hiện nay thì không thể mong đợi kinh tế khởi sắc, càng không thể mơ về gói kích thích kinh tế. "Sẽ chỉ có một kịch bản kinh tế bi quan cho những năm sắp tới và các kênh đầu tư: chứng khoán, bất động sản đều khó tránh khỏi khó khăn, ông nhận định.
Tại đêm bất động sản lần thứ 42 do Hiệp hội Bất động sản TP HCM tổ chức tối 15/11, Chủ tịch Tập đoàn Metropolitan Realty Group (Mỹ), Byron Smith cho biết, thông thường thị trường bất động sản điển hình có 4 chu kỳ: phục hồi, mở rộng, nguồn cung tăng cao và suy thoái.
Ông Byron Smith cho rằng, dựa trên các dấu hiện hiện nay của bất động sản Việt Nam, thị trường đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ nguồn cung tăng cao và dịch chuyển vào chu kỳ suy thoái. Chuyên gia đến từ Mỹ nhấn mạnh thêm rằng, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng bởi dân số, việc làm và thu nhập vì vậy địa ốc chỉ tăng trưởng khi nền kinh tế hồi phục.
Theo VNexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét