Nhiều
khi bạn nghĩ rằng phải dư dả mới có hạnh phúc thực sự. Ngược lại, cũng có người
nghĩ rằng hạnh phúc chỉ tồn tại với các cặp vợ chồng thuở hàn vi… Tuy nhiên, hạnh
phúc lại phụ thuộc rất nhiều vào cách sống hằng ngày, vào cảm giác, vào quan niệm
của bạn về cách hưởng thụ cuộc sống.
Một luật
sư tâm sự: có rất nhiều sách báo nói về bí quyết để có một gia đình hạnh phúc
mà quên không nói rằng muốn gia đình hạnh phúc thì trước tiên mình phải hạnh
phúc trước đã. Nếu bạn luôn cảm thấy bất an, mệt mỏi, cáu giận, hạnh phúc sẽ
không bao giờ đậu ở bậc thềm nhà bạn.
Bà kể về
một trường hợp ly hôn: người chồng đòi ly dị nhưng người vợ nhất quyết không chịu.
Chị vợ nói, chị không có gì sai trái nên không thể bị chồng bỏ phũ phàng như vậy.
Bà luật sư từng ghé vào nhà hai vợ chồng, chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ ngồi nói
chuyện, quan sát gia đình họ, bà nhận ra người phụ nữ ấy đã đánh mất chồng mình
vì chính cách sống của chị ta.
Một ngôi
nhà bề bộn, luộm thuộm, căn bếp tối tăm, xoong nồi đen đúa do lâu ngày không được
kỳ cọ, đánh rửa. Cách bài trí nhà cửa rất tuềnh toàng, cho dù có sự hiện diện của
các vật dụng đắt tiền. Cách ăn mặc chứng tỏ chị là một người không có thẩm mỹ.
Những lời nói của chị với con cũng thể hiện một người mẹ không ân cần, những cư
xử với chồng cho thấy chị không thực sự tôn trọng anh.
Chị luôn
nói về nghĩa vụ của chồng phải thế này thế kia mà quên đi rằng mình cũng có những
trách nhiệm, bổn phận chưa hoàn thành chu đáo… Người phụ nữ là linh hồn của
ngôi nhà, bởi thế, ngôi nhà ấy thật sự không có sinh khí. Chị ta không tạo ra hạnh
phúc, trái lại còn lấy đi hạnh phúc của các thành viên khác trong gia đình - bà
luật sư kết luận.
Nhiều đôi
uyên ương sau ngày cưới gặp những khó khăn về tài chính, họ tự cảm thấy tiền bạc
là yếu tố quyết định hạnh phúc. Cũng chính vì những bức bách về kinh tế mà họ
quyết tâm lao vào kiếm tiền, quên cả hưởng thụ. Trong xã hội hiện đại, không ít
phụ nữ dồn hết tâm sức xoay xở làm ăn: mua lô đất này, bán căn nhà kia, mở cửa
hàng cửa hiệu buôn bán…
Tuy nhiên
khi tâm sự với bạn bè, họ lại cảm thấy không hài lòng với thực tại vì đã từ lâu
không có thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch cùng người bạn đời và con cái ngày
càng xa cách mình… Có nhiều phụ nữ sau những tháng năm tất bật với những toan
lo, với chuyện cơm áo, khi bước sang tuổi ngũ tuần mới nhận ra hạnh phúc có khi
lại giản dị tới mức… khó tin. Hạnh phúc, ấy là khi bạn tạo nên những khoảnh
khắc sống tràn đầy ý nghĩa và niềm vui.
Chẳng hạn,
một buổi sáng ngồi nhâm nhi ly cà phê, mắt lơ đãng nhìn nắng nhảy nhót ngoài thềm;
một buổi tối tình cờ ngồi ngắm con học bài ê a, lòng lan tỏa niềm vui ấm áp;
hay một buổi đi dạo công viên, người chồng khẽ xiết tay bạn nhè nhẹ - bạn sẽ thấy
hạnh phúc khi nghĩ rằng mình đang tận hưởng một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống.
Nhiều người luôn sống thực tại, đồng thời luôn có tâm trạng chờ đón những điều
tốt đẹp xảy ra và như vậy họ luôn cảm thấy hạnh phúc. Người hạnh phúc thường thổi
vào những người xung quanh, đặc biệt là gia đình của họ niềm vui sống.
Tôi từng
biết một cặp vợ chồng trẻ ngoài 30, họ cưới nhau đã 7 năm nay. Ai nhìn vào cặp
vợ chồng ấy cũng thấy… thảm quá: cả hai là công nhân tại một xí nghiệp đông lạnh
tại Q.7, TP.HCM. Khi quyết định cưới nhau, họ đã bị gia đình phản đối kịch liệt
vì chàng trai tên Tuân thì nghèo, cô gái tên Thủy lại bị cắt buồng trứng do một
căn bệnh lúc mới 19 tuổi.
Dù biết
rõ đó là người phụ nữ không thể sinh nở nhưng Tuân vẫn quyết tâm cưới. Bởi dường
như Thủy là người nắm trong tay bí quyết hạnh phúc. Căn nhà trọ của họ tuy tồi
tàn nhưng luôn được Thủy vun vén sạch sẽ tươm tất. Cả hai chăm sóc nhau từng
chén cơm, ly nước, chia sẻ những vui buồn. Họ nói với nhau những lời dịu dàng
và tràn đầy thương yêu.
Những người
thân thì chép miệng thương cặp vợ chồng trẻ, nhưng họ thì ngạc nhiên bởi thái độ
thương xót rất… vô lý ấy. Tại sao phải thương họ trong khi họ đang rất hạnh
phúc và cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình? Gia đình bên ngoại luôn nơm nớp
lo chờ cái giây phút con gái họ bị chồng… “đá”. Thậm chí bà mẹ còn nghĩ ra
"sáng kiến" thỉnh thoảng điện cho con gửi tiền về gấp vì bố mẹ ốm,
xin tiền cấy lúa, tiền gặt mùa - đó là cách để bọn chúng không thể khá giả được
vì theo bà chỉ có cái nghèo mới khiến bọn trẻ gắn bó với nhau (?).
Thực tế
nghèo hoàn toàn không phải là “bí quyết hạnh phúc” như nhiều cách nghĩ tiêu cực
khi thấy các gia đình giàu nhưng không hạnh phúc. Bí quyết nằm ở tình thương
yêu, sự quan tâm lẫn nhau, sự chia ngọt sẻ bùi của các thành viên trong gia
đình.
Theo
Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét