Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

“Bệnh gia đình trị”


“Bệnh gia đình trị”

Đây là con trai tôi đấy nhé. Nó sẽ đứng tên mọi công trình của anh đấy
TTCN - Các “công ty gia đình” thật ra chỉ là một trong những hình thái biểu hiện của thứ “bệnh gia đình, bè phái trị” (nepotism and cronyism) đã có từ lâu đời. 
Ở Indonesia dưới trào Suharto, các “công ty gia đình” công khai và hợp pháp của sáu người con của ông ta hầu như đã chi phối toàn bộ nền kinh tế nước này, đem về cho gia đình ông số tài sản lên đến 30 tỉ USD. 


IMF gọi đây là một “nền kinh tế tư bản gia đình bè phái” và cho rằng cần phải triệt hạ nếu như Indonesia muốn phục hồi kinh tế. Ở nhiều nước châu Phi, một số quan chức nhà nước còn thản nhiên “làm ăn với chính bản thân” mình (self-dealing).
Từ ngữ nepotism xuất hiện đầu tiên ở Ý vào thế kỷ 14 - 15 để chế giễu việc một số đấng “quân vương” đạo và đời ở La Mã “sính” chơi trò bổ nhiệm các “cháu” của mình (thật ra là con hoang) vào các vị trí quan trọng trong triều đình. Gốc của từ này (nepos = cháu) giống gốc của các “thành ngữ” COCC hay “5C” (con cháu các cụ cả) trong tiếng Việt một cách thú vị! 
Tất cả chẳng qua là một thứ “bệnh” ưu ái cách riêng con cháu mình. Bắt đầu từ việc thuê mướn người thân, bất kể chuyên môn và năng lực, sau đó dẫn đến các hành vi phi đạo đức chức nghiệp, các mánh khóe can thiệp bất chấp luật pháp (nguồn: “Family ties”, Jacob Pantoja, Arizona State University). 
Những thiệt hại cho xã hội gây ra từ “bệnh gia đình trị” là rất lớn. Canon Clement Janda từ nước Sudan nghèo khó ở châu Phi đã phải ta thán: “Gia đình trị” là nghệ thuật đặt để lầm người vào lầm chỗ, chỉ vì những kẻ ấy là thân bằng quyến thuộc (Sudan Mirror 2-2-2005).
Thế nhưng, thị trường thì bao la, con cháu đâu mà “bao sân” cho hết? Đến đây, “vòng tay” mở rộng ra đến bạn bè, từ “gia đình trị” tiến đến “bè phái trị” (cronyism). Ở châu Á, một số tác giả gọi đó là “chủ nghĩa tư bản bộ phận” (crony capitalism). 
Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tố cáo đích danh nguồn gốc của tai họa tham nhũng ở các nước Á, Phi là bộ ba “tư lợi - gia đình trị - bè phái trị”. 
TI giải thích: “Ai cũng có những lợi ích riêng tư. Không tránh khỏi việc có khi các lợi ích này xung đột với các quyết định phải đưa ra. Xung đột lợi ích nổ ra khi một viên chức bị tác động bởi những tính toán cá nhân trong khi làm nhiệm vụ của mình và rồi các quyết định đã được đưa ra vì những lý do “càn quấy” đó. Cho dù đôi khi các quyết định được đưa ra là đúng, nhưng một khi xuất phát từ các tính toán cá nhân thì điều đó cũng dẫn đến xung đột với lợi ích của công chúng và gây tổn thương cho tiếng tăm của tổ chức đó, gây mất niềm tin nơi công chúng” (TI Source Book 2000).

Để phòng chống, TI khuyến cáo:
Đối với “gia đình trị”

“Những khiếm khuyết về khả năng và kinh nghiệm của hắn được che đậy bởi bộ vó “con trai của ngài chủ tịch”
“Gia đình trị” gây tác động nghiêm trọng đến công việc tiến cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, xếp loại, đánh giá, thuyên chuyển, kỷ luật... trong khi lợi ích của công chúng đòi hỏi rằng “chỉ những ai xuất sắc nhất mới được phục vụ quốc gia”. “Gia đình trị” có thể gây ra xung đột trong một tổ chức. Đặc biệt khi người bà con này lại là “sếp” trực tiếp của người bà con kia, thì các đồng nghiệp sẽ cảm thấy không được thoải mái. 



Chính vì thế mà rất nhiều nước qui định:
- Không một thân nhân nào, là cha, mẹ, anh, chị, em, chú bác, cô dì, vợ, chồng, con trai gái, dâu rể, cháu... có thể dưới quyền điều khiển trực tiếp của một viên chức.
- Nếu một viên chức và một thân nhân gia đình cùng chung cơ quan, và một người trở thành quản lý trực tiếp của người kia, phải thu xếp thuyên chuyển.
- Nếu hai đồng nghiệp cùng nhiệm sở kết hôn hay sống chung với nhau, họ cũng sẽ phải chấp hành các qui định trên.
Nhiều nước đã đưa vấn đề phòng chống “gia đình trị” vào trong luật lệ. Thế nhưng, mục đích không phải là để tránh việc những kẻ cùng gia đình làm việc chung với nhau, mà là để ngăn ngừa việc một công chức có thể ưu ái cách riêng cho thân nhân mình. 
Đối với trục lợi trong đấu thầu
- Điều kiện tiên quyết chính là tính khách quan. Trong các xã hội thường bị sức ép của các phe đảng hay của một “đại gia đình” nào đó, trước hết cần phải xác minh xem các viên chức có can dự vào qui trình xét duyệt có dây mơ rễ má gì với các ứng viên dự thầu hay không, nếu cần có thể giải nhiệm họ.
- Kế đến cần phải thúc đẩy sự cạnh tranh trong đấu thầu: phải phổ biến điều kiện một cách rộng rãi, rõ rệt nhất có thể được để không còn gì tối nghĩa khiến người khác có thể trục lợi.
- Phải mở rộng cửa cho mọi người tham gia: nguy cơ tham nhũng sẽ giảm thiểu một khi các chủ trương, thủ tục, ngay từ khi được thiết kế, đã không tạo ra những xung đột lợi ích với công chúng, đối tượng thụ hưởng các cuộc đấu thầu đó.
- Tính liêm chính, trong mọi trường hợp không thể du di, xí xóa. Trong mọi trường hợp vi phạm hay không đáp ứng các yêu cầu đã định, nhất thiết phải xử lý. Tại một số nước, đã tiến hành việc sử dụng các tuyển trạch viên độc lập, các thành viên khác của hội đồng xét duyệt không hề hay biết các tuyển trạch viên độc lập này là ai, và điều này đã làm tính liêm chính của qui trình xét duyệt được tăng cường.
- Cuối cùng, là quyền khiếu kiện. Các ứng viên (dự thầu) hợp lệ song không trúng thầu, một khi cảm nhận rằng qui trình đấu thầu đã không được tuân thủ đúng đắn, có thể khiếu kiện lên một thẩm quyền cao hơn yêu cầu xem xét độc lập lại quá trình đấu thầu cùng kết cuộc của nó. Chúng gây tổn thương cho tiếng tăm của tổ chức đó, gây mất niềm tin nơi công chúng.
Ngừa hậu họa
Bịt các khe hở của chế độ “gia đình trị, bè phái trị” bằng các biện pháp trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm không thể không trông thấy chính là các cựu quan chức hồi hưu hay nghỉ việc. Không phải là vơ đũa cả nắm, song làm thế nào để quản lý được qui trình cách ly khi một quan chức cấp cao rời nhiệm sở ở bộ máy nhà nước rồi lại bước vào khu vực tư nhân, ngày càng là một mối bận tâm đáng kể.
Họ có thể sử dụng những thông tin “nhạy cảm” mà họ đã từng nắm giữ. Họ có thể sử dụng các quan hệ cũ để tác động nơi các quan chức nhà nước đương nhiệm... Mỗi chính phủ cần triển khai các biện pháp cách ly “hậu - từ nhiệm” của mình, thay đổi tùy mức độ bất trắc tham nhũng của từng lĩnh vực. Các hợp đồng lao động phải ghi chú rõ ràng các hạn chế bắt buộc sau này nơi người cựu viên chức. Ở bang New South Wales (Úc), mỗi quan chức lãnh đạo trong khu vực công đều được “xử lý” bằng những điều khoản riêng, như sau này sẽ không được làm việc này, nghề nọ... 

HỮU NGHỊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét